Khu bảo tồn loại - sinh cảnh vượn Cao Vít

Thứ sáu - 30/06/2023 16:52

CVĐC Non nước Cao Bằng, là một trong số ít địa phương ở Việt Nam còn khá giàu có về tài nguyên đa dạng sinh học và nguyên nhân chính là do khu vực này có địa hình núi non phức tạp, với hệ thống núi cao, sông suối phong phú; điều kiện khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của sinh vật... Đa dạng sinh học là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái tự nhiên chúng cấu thành nền tảng của cuộc sống trên trái đất, cuộc sống của cả con người và các thực thể sống khác.
Khu bảo tồn loài - sinh cảnh vượn Cao Vít, Trùng Khánh nằm trên dãy núi đá vôi rộng lớn, đồ sộ và rất đặc trưng của vùng Đông Bắc cao khoảng 1000m thuộc 3 xã Phong Nậm, Ngọc Khê và Ngọc Côn được Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã Quốc tế (FFI) hỗ trợ thành lập năm 2007 trên cơ sở phát hiện đàn vượn Cao Vít vốn đã bị coi là tuyệt chủng ở đây, với diện tích là 6.046 ha là nơi có giá trị đa dạng sinh học tầm cỡ quốc tế. Khu Bảo tồn nổi tiếng với loài vượn Cao Vít - một loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm bậc nhất và cực kỳ nguy cấp trên thế giới, nằm trong danh sách của 25 loài Linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới và đứng thứ 9 khu vực châu Á và là một trong 5 loài nguy cấp tại Việt Nam.

z4509258101470 e91710fb337182bbcbfda2f02dd3dbaa
z4509258114010 bae654f09548dee4030c82b2a8205d11
Vượn Cao Vít

Khu bảo tồn loài - sinh cảnh vượn Cao Vít là một điểm đến đặc biệt vì nó là nơi trú ngụ của loài vượn Cao Vít (Nomascus nasutus), một loài vượn đặc hữu và chỉ có ở Cao Bằng vùng Đông Bắc Việt Nam và đảo Hải Nam, vùng Đông Nam Trung Quốc. Theo số liệu điều tra tháng 9/2012 của Ban quản lý KBT loài và sinh cảnh vượn cao vít Trùng Khánh đã thống kê được có 24 đàn, 129 cá thể, có 20 loài nguy cấp quý hiếm, trong đó có 15 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam (2007) và 18 loài nằm trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Vượn Cao Vít là loài dị hình giới tính, nghĩa là con đực toàn thân màu đen và có chỏm mào trên đỉnh đầu; con cái trưởng thành lông vàng, có mảng lông đen và không có chỏm; con non lông màu vàng. Chúng sống thành từng nhóm nhỏ trên cây, di chuyển bằng hai tay rất nhanh, thức ăn chủ yếu là quả chín lá cây.

Ngoài loài Vượn Cao Vít, khu bảo tồn gồm 960 loài thuộc 541 chi, 144 họ, của 4 ngành thực vật bậc cao có mạch. Hiện đã thống kê được 38 loài quý hiếm, trong đó có 36 loài được ghi danh trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và 15 loài nằm trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Đã ghi nhận được 28 loài thú, 85 loài chim, 5 loài bò sát và 3 loài ếch nhái. Đa dạng sinh học nguồn tài nguyên quý giá nhất, có tầm quan trọng vô cùng to lớn đối với tự nhiên, đời sống con người và sự phát triển bền vững của nhân loại. Đa dạng sinh học có những giá trị vô cùng to lớn về kinh tế, môi trường và cuộc sống, vì vậy bảo tồn đa dạng sinh học là nhằm mang lại lợi ích lớn nhất cho thế hệ hiện tại và vẫn duy trì tiềm năng của chúng để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của các thế hệ tương lai.

Khu bảo tồn loài sinh - cảnh vượn Cao Vít với vẻ đẹp hoang dã và cảnh quan hùng vĩ của các dãy núi đá vôi, khu bảo tồn này không chỉ mang lại trải nghiệm du lịch thú vị mà còn là tài nguyên vô cùng quý giá, lưu trữ một loạt hệ sinh thái độc đáo, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và các loài đặc hữu quý hiếm của Cao Bằng; đáp ứng về nhu cầu nghiên cứu đa dạng sinh học và môi trường cho các nhà khoa học và nhiều đối tượng khác. Và là điểm đến độc đáo và hấp dẫn thu hút những du khách yêu thích khám phá về thiên nhiên hoang dã và những động vật quý hiếm trên thế giới đang được bảo tồn và phát triển tại Việt Nam.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây