Kết quả nghiên cứu, đánh giá DSĐC đã phát hiện hàng chục điểm hóa thạch cổ sinh, đặc biệt phổ biến trong các hệ tầng Mia Lé (D1 ml), Nà Quản (D1 -D2 enq), Tốc Tát (D1 -C3 ttt), Bắc Sơn (C-Pbs), Đồng Đăng (P3 đđ), Sông Hiến (T1 sh), Na Dương (E3 -N1 nd)…
Hệ tầng Mia Lé có thành phần đá đa dạng với chủ yếu là đá phiến sét, sét bột kết, bột kết, cát kết xen ít đá silic, đá vôi sét, đá vôi silic, ít thấu kính đá vôi…, phân bố thành nhiều dải hẹp rải rác ở hầu hết các huyện trong CVĐC Cao Bằng. Hệ tầng chứa rất phong phú hóa thạch, trong đó phổ biến nhất là Tay cuộn, San hô, Bivalvia… Có đến hàng chục điểm hóa thạch cổ sinh đã được tìm thấy ở nhiều nơi, như:
-Điểm hóa thạch Tay cuộn và San hô xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Uyên (tọa độ X=648129; Y=2499178; Z=295m asl);
-Điểm hóa thạch Tay cuộn và San hô xã Lang Môn, huyện Nguyên Bình (tọa độ X=616924; Y=2506353; Z=302m asl);
-Các điểm hóa thạch Tay cuộn, San hô và Hai mảnh vỏ xã An Lạc (tọa độ X=665174; Y=2511480; Z=449m asl) và xã Cai Bộ (tọa độ X=659376; Y=2511183; Z=445m asl). Các điểm hóa thạch Tay cuộn xã Minh Long (tọa độ X=680376; Y=2522841; Z=350m asl) và xã Thắng Lợi (tọa độ X=674781; Y=2517108; Z=452m asl). Tất cả đều ở huyện Hạ Lang;
-Điểm hóa thạch Tay cuộn xã Đức Quang (tọa độ X=667350; Y=2520338; Z=591m asl), huyện Trùng Khánh.
Nét chung của các điểm hóa thạch này là, vì hệ tầng thường lộ thành dải hẹp cùng hệ tầng Nà Quản nằm trên nó, nên thường ở cùng một địa điểm cũng có thể tìm thấy hóa thạch đặc trưng của hệ tầng Nà Quản. Cảnh quan xung quanh thường có sự tương phản giữa địa hình bóc mòn trên đá lục nguyên và cảnh quan karst các giai đoạn trên đá vôi.
Hệ tầng Nà Quản có thành phần chủ yếu là đá vôi, đá vôi sét, đá vôi silic, phân bố rải rác thành dải cùng với các đá của hệ tầng Mia Lé ở hầu hết các huyện thuộc CVĐC Cao Bằng. Hóa thạch phổ biến nhất, dễ thấy nhất là Lỗ tầng, kế đến là San hô, Trùng thoi và Hai mảnh vỏ, như ở các điểm dưới đây:
-Điểm hóa thạch Lỗ tầng xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Uyên (tọa độ X=649348; Y=2498589; Z=266m asl), gần như cùng vị trí với điểm hóa thạch Tay cuộn và San hô kể trên;
-Điểm hóa thạch Lỗ tầng xã Đức Quang, huyện Trùng Khánh (tọa độ X=662890; Y=2521870; Z=601m asl), gần như cùng vị trí với điểm hóa thạch Tay cuộn kể trên;
Hóa thạch Brachiopod trong hệ tầng Mia Lé
-Điểm hóa thạch Lỗ tầng (tọa độ X=652204; Y=2487055; Z=328m asl) và San hô (tọa độ X=652312; Y=2486316; Z=382m) xã Thụy Hùng, huyện Thạch An;
-Điểm hóa thạch Lỗ tầng xã Danh Sỹ, huyện Thạch An (tọa độ X=665971; Y=2482567; Z=277m asl);
-Điểm hóa thạch Trùng thoi xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên (tọa độ X=644934; Y=2513275; Z=503m asl);
-Điểm hóa thạch Hai mảnh vỏ xã Lưu Ngọc, huyện Trà Lĩnh (tọa độ X=631882; Y=2522933; Z=642m asl).
Hệ tầng Tốc Tát có thành phần chủ yếu là đá vôi phân dải (hay đá vôi vân đỏ) xen ít đá vôi phân lớp mỏng tới trung bình, gặp ở khá nhiều nơi trong CVĐC Cao Bằng, thường cùng với hệ tầng Lũng Nậm dưới chân đá vôi hệ tầng Bắc Sơn. Kết quả điều tra, đánh giá DSĐC đã tìm thấy một địa điểm chứa hóa thạch Cúc đá trong dãy nếp uốn gập ở Lũng Luông, xã Kéo Yên, huyện Hà Quảng (tọa độ X=609861; Y=2536500; Z=607m asl).
Hệ tầng Bắc Sơn có diện lộ khá lớn trong phạm vi CVĐC Cao Bằng với thành phần chủ yếu là đá vôi, đá vôi dolomit hóa, đá vôi sinh vật, phong phú các hóa thạch cổ sinh Trùng lỗ, San hô, Huệ biển… Gần như ở bất kỳ điểm lộ đá vôi hệ tầng Bắc Sơn nào cũng tìm thấy các hóa thạch Huệ biển và San hô, thí dụ như ở làng rèn Phúc Sen, huyện Quảng Uyên (tọa độ X=645882; Y=2509448; Z=533m asl).
Hệ tầng Đồng Đăng (P3 đđ) với cuội kết vôi, bauxit, sét kết và đá vôi có diện lộ nhỏ, rải rác ở các huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Hòa An và Trùng Khánh, quan hệ bất chỉnh hợp cả trên lẫn dưới với các hệ tầng Bắc Sơn (C-Pbs) và Sông Hiến (T1 sh). Đây được coi là một hệ tầng rất quan trọng, nhất là ở ranh giới trên của nó – ranh giới P/T – một trong những sự kiện tuyệt diệt sinh giới chính trong quá khứ. Hệ tầng chứa phong phú hoá thạch Tảo vôi, Trùng lỗ, San hô gờ ráp, Tay cuộn, Hai mảnh vỏ, Chân bụng, Cúc đá, Bọ ba thùy, Động vật dạng rêu…, điển hình như ở xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng (tọa độ X=622206; Y=2535902; Z=910m asl).
Hệ tầng Sông Hiến (T1 sh) với thành phần chủ yếu gồm cuội sạn kết, cát kết, phiến sét, bột kết xen ryolit porphyr, đacit ryolit, dacit ryolit porphyr và tuf của chúng, phiến silic, thấu kính sét kết chứa vôi, đá vôi, đá vôi bị hoa hoá, dolomit hoá, phân bố chủ yếu ở phía tây đứt gãy Cao Bằng-Tiên yên, các huyện Hà Quảng, Hòa An, Trà Lĩnh và Nguyên Bình. Hóa thạch đặc trưng là Trùng lỗ và Chân rìu nhưng cũng có khi tìm được Cúc đá như ở xã Bình Long, huyện Hòa An (tọa độ X=615589; Y=2514874; Z=206m asl).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chúng tôi trên mạng xã hội