Đặc sắc cảnh quan karst trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng
- Thứ tư - 08/12/2021 10:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Karst (tiếng Đức: Karst) là hiện tượng phong hóa đặc trưng của vùng miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn. Sự xói mòn không phải do cơ chế lực cơ học, mà chủ yếu là do khí điôxít cacbon (CO2) trong không khí hòa tan vào nước, cộng với các ion dương của hyđrô (H+) tạo thành axít cacbonic. Axít cacbonic là thủ phạm chính trong quá trình ăn mòn đá vôi. Sản phẩm tự nhiên của quá trình phong hóa karst là các hang động với các nhũ đá, măng đá, sông suối ngầm,...
Địa hình Karst sơ khai: Địa hình Karst sơ khai hay địa hình karst dạng dãy, chưa bị tác dụng hòa tan, rửa lữa, xâm thực sâu tạo hố, phễu trũng, phổ biến ở khu vực Hà Quảng, Nguyên Bình. Do hoạt động đứt gãy mà chúng tạo nên chênh lệch địa hình dạng gãy, vì thế dọc theo đó có nhiều vách dốc dựng đứng, nhiều nơi còn thấy rõ các facet tam giác liên tiếp.
Địa hình Karst trẻ: Địa hình Karst trẻ tập trung yếu ở khu vực huyện Hà Quảng, ít hơn ở Quảng Hòa và Trùng Khánh, trên diện lộ của đá vôi Carbon-Permi. Các Lũng, phễu, hố sụt hình thành do hòa tan, rửa lũa, xâm thực sâu đá vôi chủ yếu có dạng đẳng thước, chưa ăn sâu đến cơ sở xâm thực địa phương, để lại các đỉnh nhọn dạng chóp nón liên kết nhau, vách dốc 45-60 độ tạo thành cụm đỉnh-lũng.
Địa hình karst trưởng thành: Điạ hình Karst trưởng thành đặc trưng bởi các tháp đá vôi đẳng thước, đỉnh khá bằng, vách đứng, nổi cao, rải rác trên bề mặt cơ sở xâm thực địa phương khá bằng phẳng. Các phễu, lũng, hố sụt sau khi đã phát triển theo chiều sâu xuống đến cơ sở xâm thực địa phương thì chuyển sang phát triển theo chiều ngang, mở rộng và liên kết đáy để tạo nên những thung lũng mở, rộng lớn, bằng phẳng, đặc biệt là dọc theo các đứt gãy lớn, trên mặt tích tụ nhiều đất terra-rosa và thường có dòng chảy mặt, thuận lợi cho sinh sống và canh tác nông nghiệp. Hệ thống hang động rất phát triển, thường là các hang ngang, rộng lớn, đồ sộ, đặc biệt hay có các hang luồn, hang động nguyên thủy, phát triển ở ngang cơ sở xâm thực địa phương, kết nối, liên thông các lũng. Hệ thống các thung lũng, tùy theo mức độ kết nối, liên thông mà tạo nên các kiểu dạng thung lũng khác nhau như thung lũng hình túi, thung lũng xuyên thủng, thung lũng mù,… đặc biệt hay bắt gặp ở ranh giới giữa các vùng karst và phi karst.
Địa hình karst trưởng thành phố biến nhất trong phạm vi CVĐC Non nước Cao Bằng, tiêu biểu ở khối Karst Trùng Khánh, Quảng Hòa, Thạch An. Các thung lũng mù hay gặp ở Hà Quảng, Hòa An, Quảng Hòa, đặc biệt ở Tĩnh Túc, làm thành các bãi tích tụ quặng sa khoáng thiếc lớn. Các thung lũng xuyên thủng có ở bản Nà Ngườm (Cảnh Tiên) Trùng Khánh, khu vực đèo Mã Phục Trà Lĩnh, hay ở khối karst phía tây Hòa An. Các thung lũng hình túi phân bố ở Pác Bó, Hà Quảng, Hòa An, Quảng Hòa và Trùng Khánh.
Địa hình Karst già: Địa hình karst già đặc trưng cho giai đoạn cuối của quá trình karst hóa với các khối karst ngày càng nhỏ dần về cả kích thước lẫn chiều cao, các hang động bị sập đổ, các thung lũng ngày càng mở rộng…Nhiều nơi chỉ còn sót lại những khối karst rất nhỏ nổi thấp trên cánh đồng bằng phẳng, rộng lớn, gọi là các cánh đồng karst. Trong phạm vi CVĐC Non nước Cao Bằng địa hình Karst già gặp nhiều ở khu vực Hạ Lang, Quảng Hòa, Trùng Khánh,…