ĐIỂM DI SẢN SAN HÔ CỔ LANG MÔN
- Thứ sáu - 14/01/2022 05:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
400 triệu năm trước, khu vực này đã từng là biển nông. Lắng đọng trầm tích từ đây đã hình thành nên đá vôi và lưu giữ một lượng lớn hóa thạch cổ sinh, những chứng nhân của một môi trường biển cổ kéo dài và rất phong phú trong quá khứ.
Phần lớn những cổ sinh vật này là san hô, sống trong môi trường biển nông ở độ sâu khoảng 20-50m, nhiệt độ 18-20oC. San hô (tên khoa học là Anthozoa - “động vật hình hoa”) là loài sinh vật có hình dáng bên ngoài giống như bông hoa. Chúng hình tròn, nhỏ và sống thành quần thể gồm nhiều cá thể riêng biệt. San hô không di chuyển được, hóa thạch san hô vì thế thường được bảo tồn tốt. Hơn thế nữa, san hô chỉ sống trong môi trường rất đặc trưng. Sự tồn tại và phát triển của chúng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường, như nhiệt độ, độ sâu, độ mặn, ánh sáng. Vì thế hóa thạch san hô rất có giá trị trong việc định tuổi của đá chứa chúng cũng như điều kiện cổ môi trường nơi chúng từng sống.
Tại đây cũng tìm thấy hóa thạch “Tay cuộn”. Tay cuộn gần như không có khả năng tự vệ; lớp vỏ bọc quanh thân mềm là sự bảo vệ duy nhất của chúng. Tay cuộn có chân thịt (cuống nhỏ) cứng, bám cố định lấy bề mặt đáy biển như diện lộ đá gốc, đá tảng hoặc các loài sò ốc khác. Tay cuộn không thể chủ động kiếm thức ăn. Ngày nay, vẫn còn khoảng 300 loài Tay cuộn sống trong môi trường nước biển lạnh, sâu trong khi đa số các loài của nhóm sinh vật này đã tuyệt chủng trong cuộc khủng hoảng sinh giới quy mô toàn cầu xảy ra khoảng 252 triệu năm trước (cuối kỉ Permi).