Hồ Thăng Hen
- Thứ năm - 11/04/2019 11:49
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quần thể Hồ Thăng Hen đã ghi nhận đến nay gồm 36 hồ tự nhiên liên thông với nhau qua hệ thống các hang, sông-hang ngầm, mỗi hồ cách nhau vài chục đến vài trăm mét, tất cả đều nằm trong một vùng thung lũng rộng lớn tiếp giáp giữa xã Quốc Toản (huyện Trà Lĩnh) và xã Ngũ Lão (huyện Hòa An). Tên hồ được đặt theo tiếng địa phương như: Thăng Vạt, Nà Ma, Thăng Loỏng, Thăng Hoi… có từ hàng trăm năm nay, trong đó Thăng Hen là hồ lớn nhất với chiều dài gần 2.000m, rộng 500m và sâu tới 40m, được bao quanh bởi những tán rừng già xen lẫn những mỏm đá tai mèo. Tên của hồ theo tiếng địa phương có nghĩa là “đuôi ong”, bởi từ trên cao phóng tầm mắt nhìn xuống, du khách có thể sẽ nhìn thấy toàn cảnh hồ có hình dạng tựa như đuôi một con ong khổng lồ.
Quần thể hồ-sông hang ngầm Thăng Hen phát triển trong đá vôi hệ tầng Bắc Sơn (C-Pbs), ở nơi giao nhau giữa các hệ đứt gãy phương TB-ĐN, ĐB-TN, á kinh tuyến và á vĩ tuyến. Các hồ nằm ở đáy các lũng kín, xung quanh là các đỉnh vẫn còn liên kết với nhau qua các yên ngựa thấp, tạo nên cảnh quan karst dạng cụm lũng-đỉnh điển hình. Các đỉnh khá bằng nhau, là tàn dư của một bề mặt san bằng ở độ cao khoảng 650m, trong khi đáy các lũng dao động trong khoảng 550-600m. Các ngấn nước cho thấy mực nước hồ dao động trong khoảng 20m xung quanh mức 600m. Một vài tầng hang hóa thạch quan sát thấy trong khoảng độ cao 600-650m trong khi hang hoạt động còn ở mức thấp hơn. Theo kết quả khảo sát năm 2012 của đoàn chuyên gia hang động Pháp-Việt, một phần hệ thống hang ngầm kết nối với Hồ Thăng Hen phát triển tới 820m theo phương á kinh tuyến và á vĩ tuyến và sâu tới 54m so với địa hình hiện tại.
Đặc điểm thủy văn karst ở quần thể Hồ Thăng Hen rất lý thú, trong đó Thăng Hen đóng vai trò chính. Các quan sát ghi nhận rằng mùa khô mặc dù nước ở các hồ khác cạn nhưng ở Thăng Hen vẫn còn; mùa mưa nước ở các hồ khác đục nhưng nước Hồ Thăng Hen vẫn trong; hàng ngày ở Thăng Hen vẫn có hai đợt “thủy triều” lên xuống… Kết quả khảo sát đặc điểm thủy văn karst ở quần thể Hồ Thăng Hen còn cho thấy:
1.Tất cả các hồ đều có ít nhất một phễu karst thu nước khiến cho chúng không giữ được nước mặt mà chuyển thành các dòng chảy ngầm.
2.Ở một số hồ như Thăng Bó Sung, Thăng Bồ Đề các phễu karst này đóng vai trò vừa là cửa thoát, đồng thời cũng là nguồn cấp “Swallow hole”.
Có 3 kịch bản thoát nước ở quần thể Hồ Thăng Hen:
a) Về mùa khô, mực nước hạ thấp < 600m asl. Thăng Hen là hồ lớn và sâu nhất, nước của hệ thống các hồ phía Đông Bắc (Thăng Tính, Thăng Nậm Chả, Thăng Nà Thiêng… liên thông nhau và chảy vào Thăng Hen qua hệ thống phễu karst, hang ngầm và bị cạn kiệt. Mực nước ở Hồ Thăng Hen liên thông với dòng chảy ngầm và dao động theo mực nước mặt/ngầm ở phía Nam-Tây Nam.
b) Phần lớn thời gian mùa mưa, mực nước ở khoảng 600-610m asl. Lượng nước đổ vào Thăng Hen lớn trong khi khả năng thoát lũ của hồ kém. Khi đó hồ Thăng Mỏng đóng vai trò là cửa thoát chính. Nước tập trung từ các hồ chảy về Thăng Hen và Thăng Kỳ Kang rồi chảy qua Thăng Mỏng để thoát tiếp.
c) Trường hợp nước lũ > 610m asl, khi các cửa ở đáy Thăng Hen, Thăng Mỏng không đủ khả năng tiêu thoát, nước một lần nữa dồn về Thăng Hen, nhưng cửa thoát lúc này lại là một hệ thống hang khác nằm cao hơn đáy Hồ Thăng Hen.
Đến với quần thể Hồ Thăng Hen ta còn có thể bắt gặp nhiều thông tin địa chất lý thú khác như các hóa thạch cổ sinh (Huệ biển, Trùng thoi…) trong đá vôi, các facet dấu ấn của hoạt động đứt gãy. Khung cảnh hoang sơ gần như còn nguyên vẹn minh chứng mức độ bảo tồn đa dạng sinh học còn rất cao. Quần thể Hồ Thăng Hen xứng đáng là một trong những báu vật của CVĐC Cao Bằng, một di sản địa chất tầm cỡ quốc tế vì những giá trị khoa học, giáo dục, thẩm mỹ của nó.