Định vị thương hiệu du lịch từ ẩm thực
- Thứ hai - 21/10/2024 10:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ năm 2022 đến nay, ngành du lịch Cao Bằng có nhiều dấu hiệu khởi sắc với tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cao Bằng thu hút trên 1 triệu lượt khách du lịch, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023, tổng thu du lịch ước đạt 791 tỷ đồng. Hiệu quả kinh doanh du lịch được nâng lên, công suất sử dụng phòng ước đạt 52%, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 1.051,49 tỷ đồng, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm trước. Để đạt được kết quả trên, bên cạnh các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử còn phải kể đến nền ẩm thực phong phú, đặc sắc, là “cầu nối hiệu quả” góp phần quảng bá, thu hút du khách đến với miền non nước Cao Bằng.
Mùa nào thức nấy, ẩm thực Cao Bằng thể hiện sự tinh tế, khéo léo trong cách chế biến, kết hợp nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào tạo nên những món ăn đậm đà dư vị, thấm đẫm tình cảm của người miền núi thân thiện, hiếu khách. Ẩm thực Cao Bằng không chỉ phong phú, đa dạng mà còn chứa đựng nét riêng về tín ngưỡng, phong tục, tập quán của đồng bào vùng cao với những sản vật gắn liền với điều kiện tự nhiên, đời sống và mùa vụ sản xuất của nơi đây. Những món ăn dân dã, bình dị được chế biến từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng tại địa phương, đảm bảo độ tươi ngon, giàu dinh dưỡng làm say đắm bao thực khách. Đặc biệt, nhiều sản vật, món ngon Cao Bằng đã lọt top 100 món ăn, đặc sản quà tặng Việt Nam như: bánh cuốn, bánh áp chao, xôi trám, coóng phù, chè lam, miến dong Phja Đén, hạt dẻ Trùng Khánh… Không gian thưởng thức ẩm thực đậm chất văn hoá dân tộc với sự hòa điệu của các loại hình nghệ thuật dân gian như: làn điệu dân ca, hát Then, đàn tính, múa khèn… mang đến cho du khách trải nghiệm đáng nhớ với đủ đầy hương vị và cung bậc cảm xúc trên hành trình khám phá Cao Bằng.
Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch từ khai thác thế mạnh ẩm thực, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và các địa phương trong tỉnh tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch gắn liền với việc quảng bá văn hóa, ẩm thực truyền thống, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, sáng tạo, mới mẻ. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh truyền thông du lịch ẩm thực trên các trang thông tin điện tử, các nền tảng mạng xã hội; tổ chức hội chợ ẩm thực, gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương tại các sự kiện chính trị, văn hóa, các điểm du lịch… Các lễ hội giao lưu ẩm thực thu hút đông đảo hộ kinh doanh, doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia góp phần quảng bá rộng rãi văn hoá ẩm thực Cao Bằng đến các vùng miền trên cả nước.
Điển hình như Hội thi Sáng tạo Ẩm thực Du lịch “Món ngon miền Non nước” tỉnh Cao Bằng năm 2023 đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thắt chặt đoàn kết, gắn bó, tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu bếp của các đơn vị kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn, các bản du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Tiếp nối thành công đó, Hội thi Sáng tạo Ẩm thực Du lịch “Món ngon miền Non nước” tỉnh Cao Bằng năm 2024 dự kiến được tổ chức vào tháng 11/2024 với mục tiêu tìm kiếm các món ngon đặc sắc, truyền thống mang đậm nét văn hóa, đặc trưng của Cao Bằng và hình thành 01 bản đồ ẩm thực để quảng bá, giới thiệu địa chỉ các món ngon của tỉnh Cao Bằng đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, tôn vinh sự đa dạng và giá trị văn hoá ẩm thực truyền thống tại Cao Bằng.
Để nâng tầm chất lượng sản phẩm cũng như tiếp cận đông đảo người tiêu dùng, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia vào Chương trình OCOP và từng bước khẳng định chỗ đứng của thương hiệu trên thị trường. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh có năng lực sản xuất lớn, tiêu thụ ổn định như: lạp sườn, thịt xông khói, miến dong Tân Việt Á, gạo nếp Hương Bảo Lạc… Một số sản phẩm như hồng trà, lục trà hướng tới thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, Australia. Phát triển sản phẩm OCOP kết hợp với tham quan du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng không những giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn góp phần cải thiện thu nhập cho người dân và tăng nguồn thu cho ngành du lịch tỉnh nhà.
Ẩm thực Cao Bằng không chỉ khẳng định vị trí trong lòng thực khách mà còn hứa hẹn trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tính đặc trưng, phản ảnh bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc địa phương. Do đó, làm tốt việc xúc tiến, quảng bá văn hoá ẩm thực sẽ góp phần tạo dấu ấn riêng và sự hấp dẫn lớn đối với du khách trong nước và quốc tế, thúc đẩy du lịch Cao Bằng phát triển hiệu quả, bền vững.