BÁNH CHƯNG, BÁNH DÀY TRONG LỄ TẾT TRUYỀN THỐNG NGƯỜI TÀY
- Thứ bảy - 15/12/2018 12:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bánh chưng, bánh dày là sản phẩm của nông nghiệp thường xuất hiện ở một số lễ, tết truyền thống trong năm, gắn liền với thời vụ lúa nước và trở thành phong tục tập quán của dân tộc Tày Cao Bằng.
Trước tiên, phải điểm tới bánh chưng trong tết Nguyên đán cổ truyền lớn nhất của dân tộc hàng năm. Bánh chưng là món ẩm thực rất quan trọng không thể thiếu của tết Nguyên đán và là sản vật trang trọng trên bàn thờ cùng với mâm ngũ quả, rượu, thịt lợn, thịt gà, dâng lễ tổ tiên. Theo tập tục truyền thống trước đây, bà con người Tày vùng Hạ Lang, Trùng Khánh còn gói một đôi bánh chưng to, thường được coi là bánh bố, mẹ; mỗi chiếc bánh khoảng 2 đến 3 kg gạo nếp. Đôi bánh đặc biệt ấy có tên tiếng Tày là “Moỏc vạ đăng”, nghĩa là bánh trời sấm. Riêng đôi bánh này phải chờ đến khi có tiếng sấm mới được đem ra để cả nhà cùng ăn. Dân gian có câu: “Vạ đăng bươn lạp/ Khí bấu tháp cụng đảy kin”, nghĩa là: Trời sấm tháng chạp/ Không gánh phân cũng được ăn, nếu sấm tháng chạp, thì bà con hoan hỷ, hứa hẹn một mùa bội thu. Trường hợp đó, người Tày phấn khởi đem bánh ra ăn vào ngày mồng 2 tết âm lịch. Nếu sấm rền trong tháng giêng, “Vạ đăng bươn chiêng/Nặm phiêng lít, phiêng ly/ Mọi t’ỉ đảy kin”, nghĩa là: Trời sấm tháng giêng/Nước đầy đồng/Nơi nào cũng được ăn. Đây cũng chính là những tri thức của nhà nông về thời tiết được đúc kết từ thực tế lao động, sản xuất của người Tày.
Trong Tết Đắp nọi, bà con tổ chức vào ngày cuối tháng giêng âm lịch. Người ta gói thêm bánh chưng, làm bánh xì chen để ăn. Đắp nọi được coi là Nguyên đán nhỏ, dịp này, không gói bánh chưng to.
Đến tết Khuăn vài, đây là thời điểm mùa vụ đã cấy xong, mọi việc cày, bừa rất vất vả tiến hành từ tháng 4 đến tháng 6 đã hoàn tất. Khuăn vài là tiếng Tày, có nghĩa “Vía trâu”. Khuăn vài thường được tổ chức vào ngày 6 tháng 6 âm lịch, vì thế còn có tên là tết “Slo lộc” (mồng 6). Thực chất tết Khuăn vài là nhằm tạ ơn con trâu sau thời gian liên tục vất vả cày, bừa để kịp tiến độ mùa vụ.Trong tết, bà con làm bún, thịt vịt, bánh chưng, coóc mò (bánh sừng bò) để trình báo tổ tiên về kết quả lao động sản xuất gieo cấy lúa mùa và cúng thần nông, thổ công cùng các thần linh tìm vía trả lại cho trâu, bò. Lần này, bà con lại làm đôi bánh chưng to, mỗi chiếc gói chừng 2-3kg gạo nếp, tượng trưng cho giống đực, giống cái, tương tự như đôi bánh chưng bố, mẹ trong tết Nguyên đán. Bánh chưng to có tên tiếng Tày là “Moỏc vài”, nghĩa là bánh trâu. Sau khi làm lễ cúng tổ tiên và các vị thần xong cả nhà mới được mang ra hoan hỷ cùng ăn. Từ buổi sáng ngày 6/6 âm lịch trong năm, bà con lấy miếng bánh chưng bôi lên sừng từng con trâu, bò và cho mỗi con ăn một chiếc bánh coóc mò với hàm nghĩa tạ lễ vật nuôi có công.
Trong lễ cưới, bà con làm cả bánh chưng và bánh dày, nhưng không có bánh chưng to như tết Nguyên Đán, Khuăn vài, trong khi đó lại làm bánh dày to đường kính chừng 30-40cm, bôi phẩm đỏ lên một mặt, mầu đỏ tượng trưng cho niềm vui, hạnh phúc. Hai loại bánh này đều được dâng lên báo hỷ tổ tiên và phân phát cho các gia đình họ hàng dòng tộc, nội ngoại thân thích, chia xẻ niềm vui cùng đôi uyên ương ngày cưới.
Đến tết Trùng thập, tiếng Tày gọi là “Lạng thép” nghĩa là rửa nhíp cắt lúa. Lạng thép được tổ chức đúng vào ngày 10 tháng 10 âm lịch vì thế mới có tên là Trùng thập, khi đó mọi việc thu hái lúa đã xong. Bà con dân tộc Tày làm bánh dày nhân đường phèn trộn vừng đen hoặc đỗ xanh để cảm tạ cái nhíp. “Bươn slip xì lạng thép” (tháng mười làm bánh dày rửa nhíp) đã trở thành tết truyền thống của người Tày hàng năm.
Bánh dày và bánh chưng là sản vật lúa nước, gắn liền mùa vụ sản xuất nông nghiệp và trong các lễ tết, đã đi vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Tày.