Công viên địa chất Cao Bằng

http://caobanggeopark.com


Độc đáo cọn nước ở Độc Lập

Hình ảnh những chiếc cọn nước dọc theo các dòng sông, suối ở xã Độc Lập (Quảng Uyên) thuở trước đã góp phần đem lại cuộc sống no ấm cho người dân, nay vẫn miệt mài quay tạo cho cảnh sắc một vẻ đẹp hiền hòa và nên thơ, trữ tình hơn, đồng thời, còn là chứng nhân của văn minh lúa nước ở vùng núi, chứa đựng biết bao giá trị nhân văn sâu sắc.

Cọn nước tại xã Độc Lập.

Người dân ở xã Độc Lập không nhớ nổi những cọn nước này có từ bao giờ, chỉ biết khi họ sinh ra hình ảnh đầu tiên khi biết quan sát, nhận biết là những vòng quay của cọn nước quay chầm chậm, đều đều và tạo ra tiếng nước róc rách vui tai bên những khúc sông, con suối nơi đây. Cọn nước được dùng quanh năm nhưng khi bước vào mùa vụ mới người dân sẽ chỉnh sửa hoặc làm mới cọn nước để đưa nước vào các thửa ruộng, bắt đầu một mùa vụ mới. 
Ông Nông Văn Đức, xã Độc Lập cho biết: Kỹ thuật làm cọn nước hết sức công phu từ việc chọn vật liệu đến cách làm cọn. Tất cả vật liệu đều được lấy từ rừng.  Theo kinh nghiệm để lại, một chiếc cọn tốt sau khi làm xong thân cọn phải chắc chắn nhưng nhẹ nhàng để dễ vận chuyển, lắp đặt lại phải cân đối quay đều, tải nước tốt. Vì vậy, người làm cọn phải có nhiều kinh nghiệm, khéo tay, tỉ mỉ và kiên trì trong khi thực hiện. Hiện nay, có rất nhiều cọn nước ở xã qua quá trình sử dụng nhiều năm và nhiều lần sửa chữa đã được người dân sử dụng những vật liệu mới, như: sắt, tôn… Nhưng hầu như cách làm vẫn theo truyền thống từ cha ông để lại.
Tại xã Độc Lập, những chiếc cọn nước thân thương như sợi dây gắn tình đoàn kết xóm trên bản dưới thêm thắm đượm. Khi mùa vụ đến bà con lại gọi nhau ra sông, suối dựng cọn nước mới hay sửa cọn nước cũ để bắt đầu một mùa vụ mới. Cũng đã có biết bao đôi lứa nên duyên vợ chồng sau những đêm trăng hò hẹn bên cọn nước. Với người dân ở đây cọn nước cũng có tên gắn liền với tên khúc suối, khúc sông hay tên người làm ra nó: Cọn Đà Vĩ, cọn ông Hoàng… Cho nên hình ảnh những chiếc cọn nước đã rất tự nhiên đi vào ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ. 
Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, đầu tư qua các chương trình, dự án của Nhà nước, xã Độc Lập đã và đang có thêm nhiều tuyến mương bê tông, cốt thép tưới nước cho các cánh đồng. Do đó, còn ít người duy trì cách lấy nước thủ công từ những chiếc cọn nước thô sơ. Nhưng không phải vì thế mà người dân ở Độc Lập dỡ bỏ các cọn nước trên các khúc sông, suối vì vẫn luôn sâu nặng với từng cọn quay mang hồn cây, hồn suối, tiếng cọn nước êm ái ngân nga như bản tình ca. Những vòng quay mải miết, mềm mại kiên trì nhẫn nại và mộc mạc cũng giống như con người nơi đây chịu khó, tần tảo lao động. Bức tranh quê Độc Lập hôm nay càng trở nên đẹp hơn khi gắn với hình ảnh những cọn nước gợi về một miền quê giàu bản sắc đang thay da đổi thịt, hướng tới xây dựng nông thôn mới từng ngày từ những gì xưa cũ mà nặng lòng bao thế hệ.
Cọn nước tại xã Độc Lập nói riêng và các địa phương trên địa bàn tỉnh nói chung không chỉ đã và đang miệt mài đưa nước từ sông, suối tưới đẫm các chân ruộng hay chỉ đơn giản được lưu giữ như một nét chấm phá độc đáo trong bức tranh quê hương mà luôn là một “nhân chứng” thể hiện rõ nhất sự sáng tạo, tài hoa của đồng bào miền núi trong chinh phục thiên nhiên. Không ầm ầm tiếng máy, không hao tốn nhiên liệu hay điện năng như những chiếc máy bơm nước, cọn dùng sức nước để vận hành guồng đảm bảo nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.

Các phóng viên, nhiếp ảnh gia, dân “phượt”… rất yêu thích cọn nước nên  nhiều người săn tìm, chụp ảnh cọn nước khi đến xã Độc Lập. Rất nhiều người trân trọng và nâng niu những giá trị văn hóa từ cọn nước đã đưa về phố thị trang trí tại các quán cà phê hay nhà vườn của mình.

Nguồn tin: Xuân Lam - Báo Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây