Dư vị mâm cỗ Tết của các dân tộc
- Thứ ba - 16/04/2019 00:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng lại rộn ràng chuẩn bị những lễ vật, đồ cúng chuẩn bị cho mâm cỗ ngày Tết với bản sắc văn hóa riêng. Mỗi mâm cỗ của mỗi dân tộc mang một dư vị riêng nhưng tất cả đều chung ý nghĩa mong cả gia đình một năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc, mùa màng bội thu.
Người Nùng ở Phục Hòa gói bánh chưng Tết. |
Là hai dân tộc có dân số đông nhất ở Cao Bằng, chiếm khoảng 70% tổng dân số, mâm cỗ Tết dân tộc Tày và Nùng có nhiều nét tương đồng. Chiều 30 Tết Nguyên đán, mọi gia đình đều tất bật chuẩn bị đồ ăn phục vụ cho ngày Tết. Quan trọng nhất là phải có con gà thiến để cúng tổ tiên. Bên cạnh đó, mâm cỗ không thể thiếu các món ăn như: lạp sườn, khau nhục, cá rán, thịt ba chỉ luộc hoặc rán, canh miến…
Khi đã hoàn thành các món ăn, mâm cúng được bày lên bàn thờ. Sau khi làm thủ tục cúng xong, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau thưởng thức bữa cơm tất niên, đây là bữa cơm sum họp gia đình, là điều kiện để con cháu, anh em họ hàng tụ tập với nhau tâm sự chuyện gia đình, chuyện sản xuất trong năm vừa qua và mục tiêu trong năm mới. Bên cạnh các món ăn, các loại bánh như: bánh chưng, bánh khảo, khẩu sli, chè lam… cũng không thể thiếu trên bàn thờ các gia đình người Tày, Nùng, ngoài ra còn để mời khách đến chúc tết gia đình.
Đối với dân tộc Mông, họ thường ăn Tết trong 3 ngày nhưng có nơi ăn 6 - 7 ngày, nên việc chuẩn bị cỗ Tết được chuẩn bị rất chu đáo, cẩn thận. Sát Tết, những người phụ nữ trong gia đình quây quần bên bếp lửa, giúp nhau chuẩn bị gạo nếp, thịt lợn, lá dong cùng gói bánh chưng. Các chàng trai đảm đương phần việc giã bánh dày. Với người Mông, bánh dày là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái, bánh dày còn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài. Nhịp chày giã bánh ở các gia đình vang lên lúc nhanh lúc chậm, vang vọng cả núi rừng, làm cho không khí đón Tết thêm rộn ràng, náo nức.
Những gia đình khá giả có thể còn mổ lợn, bò... làm lễ cúng tết. Đặc biệt, mâm cỗ Tết không thể thiếu mèn mén - món ăn truyền thống làm từ ngô xay mịn được đồ chín. Anh Hoàng Văn Máy, dân tộc Mông, xã Đức Xuân (Hòa An) chia sẻ: Người Mông ở Đức Xuân những năm gần đây đều đón Tết Nguyên đán đúng ngày. Dù gia đình còn nhiều khó khăn nhưng gia đình tôi luôn nỗ lực lao động, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng gia sản xuất để xóa đói giảm nghèo. Bởi vậy, mùa vụ năm nay, gia đình tôi đã có thêm ngô, thêm thóc mừng đón một cái Tết đầm ấm, no đủ hơn.
Người Lô Lô ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) đón khách du lịch đến thăm. |
Đối với người Dao ở Cao Bằng, trước Tết cả tháng, các gia đình đã chuẩn bị lợn, gà, gạo nếp ngon và lá dong để gói bánh chưng. Nét đặc sắc của chiếc bánh chưng của người Dao là tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ Dao chịu khó. Khi gói bánh, những bàn tay khéo léo sẽ tạo ra chiếc “lưng gù” cho bánh, bánh đạt yêu cầu phải có “lưng gù” cân, rõ và đẹp nên bánh chưng của người Dao còn được gọi là bánh chưng gù.
Những ngày cuối của tháng Chạp bận rộn, mỗi gia đình sẽ mổ một con lợn để làm thực phẩm ăn trong dịp Tết, phần còn lại sẽ làm thịt treo gác bếp làm thức ăn dự trữ ra giêng phục vụ sản xuất. Riêng món thịt treo gác bếp để càng lâu thịt sẽ chảy mỡ, miếng thịt khô lại và trong, khi đó đem xào với lá tỏi. Đậu nhồi thịt cũng là món ăn đặc trưng của người Dao. Đậu phụ trắng đem nhồi thịt băm có trộn mắm muối, hành lá vào rồi đem nấu chín. Ngoài ra, mèn mén cũng là món ăn được người Dao thường làm trong dịp Tết. Đặc biệt, người Dao có một thứ đặc sản đó là rượu từ ngô men lá. Loại rượu nấu bằng ngô hạt địa phương, ủ lâu ngày bằng men lá và cất cách thủy sẽ cho ra thứ rượu trong vắt, có nồng độ cồn từ 35 - 40 độ vừa thơm vừa đặc.
Đêm giao thừa, bàn thờ mỗi nhà đều có mâm lễ cúng tổ tiên gồm: gà thiến, bánh chưng, hoa quả, rượu và 2 cây mía vàng còn đủ ngọn, lá dựng hai bên như cây nêu. Đúng thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, các thành viên trong gia đình sum họp quây quần bên bếp lửa, cầu chúc cho nhau nhiều sức khỏe, một năm mới nhiều tốt lành, mùa màng tốt tươi. Ông Triệu Tòn Sinh, Chủ tịch UBND xã Thái Học (Nguyên Bình) cho biết: Xã Thái Học có 100% hộ dân là người dân tộc Dao Đỏ. Dù đời sống của người dân đang dần đổi thay rõ nét nhưng phong tục đón Tết, đặc biệt là những món ăn trong ngày Tết cổ truyền vẫn được người dân gìn giữ. Mâm cỗ ngày Tết không chỉ để cúng tổ tiên mà còn thể hiện niềm tin, ước vọng cho cuộc sống tươi đẹp, niềm tự hào về nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Với người Lô Lô, vào ngày cuối cùng của năm cũ, mọi người sẽ quét dọn nhà cửa sạch sẽ để chuẩn bị đón tài lộc năm mới, tổ chức bữa cơm sum họp. Những người đàn ông trong gia đình có nhiệm vụ bắt lợn, gà chuẩn bị các món ăn cho bữa cơm tất niên. Người Lô Lô quan niệm bước sang năm mới, trong nhà không chỉ có ngô, gạo mà còn phải có nhiều củi và nước - biểu hiện của một năm làm ăn sung túc.
Đêm giao thừa, gia đình cử người ra gánh nước tại mỏ nước của bản về nhào bột, làm bánh nếp. Loại bánh rất đặc trưng, có tên gọi “chò mìa chá” cũng gói bằng lá dong tựa như bánh chưng nhưng không phải hình vuông mà gói thành hình một chiếc bánh gù gần giống của người Dao. Màu bánh cũng rất đặc biệt bởi gạo được ngâm bằng nước của loại lá lấy từ trên rừng, có màu xám đen.
Đối với người Lô Lô, bữa ăn trong ngày Tết rất quan trọng, không thể thiếu các thực phẩm do bàn tay lao động của mình làm ra như: thịt gà, lợn đen treo trên gác bếp, cá lam. Theo quan niệm của người Lô Lô, bữa cơm cúng tổ tiên và các thần linh phải được chuẩn bị từ những thực phẩm từ thiên nhiên hoặc do chính bàn tay lao động làm ra, để tỏ lòng thành kính với tổ tiên và thần đất sẽ xua đuổi tà ma, rủi ro, đem lại may mắn trong năm mới. Cho nên dù có khó khăn đến mấy cũng tìm cho bằng được những loại nguyên liệu để chế biến.
Người Dao Đỏ xã Bình Lãng (Thông Nông) nấu mèn mén dịp Tết. |
Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng biệt. Phong tục đón Tết và dư vị mâm cỗ ngày Tết của nhiều dân tộc được lưu giữ nguyên vẹn. Ngày Tết, các thành viên gia đình, anh em họ hàng cùng nhau quây quần bên mâm cỗ, cùng thưởng thức những món ăn truyền thống của dân tộc mình góp phần tăng thêm tình đoàn kết, tạo nên hương vị ngày Tết vùng cao thêm đậm đà, đầm ấm.