Công viên địa chất Cao Bằng

http://caobanggeopark.com


Một số Lễ hội xuân trong tuyến trải nghiệm phía đông của CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng

Ngoài những giá trị về địa chất, đa dạng sinh học, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể của CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng góp phần tạo nên một CVĐC toàn cầu với những giá trị đặc sắc và riêng biệt so với các CVĐC toàn cầu khác, đặc biệt là các Lễ hội xuân như Lễ hội chùa Sùng Phúc và Pháo Hoa Quảng Uyên.
Múa Rồng tại Lễ hội Pháo hoa Quảng Uyên

Lễ hội Chùa Sùng Phúc

Chùa Sùng Phúc, thuộc làng Huyền Du, Thanh Nhật, huyện Hạ Lang. Ngôi chùa được xây dựng từ thời nhà Trần, nằm trong khuôn viên hình chữ nhật theo hướng Bắc-Nam. Chùa gắn với phật giáo, hiện đang thờ tượng Quan Âm Bồ Tát ở hậu cung. Tại miếu Thành hoàng ở khuôn viên thờ Nghĩa Thành Đại Vương Nguyễn Đình Bá, vị quan liêm chính, nhân từ vì dân, được nhân dân tôn kính. Đặc biệt trong chùa còn thờ nữ Tiến sĩ nhà Mạc Nguyễn Thị Duệ sĩ đã tu tại chùa 6 năm, lấy hiệu là Huyền Diệu, giảng kinh phật, tu nhân tích đức, nhân dân rất mến mộ, nên chùa còn có tên là Huyền Du ( tên ghép của Nguyễn Thị Duệ). Chùa được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1993.

Theo truyền thống từ xa xưa đến nay, Lễ hội Chùa Sùng Phúc được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng âm lịch hàng năm. Phần lễ nghi, Ban Tổ chức lễ hội và nhân dân dâng hương, dâng lễ bày tỏ lòng thành với Quan Âm Bồ Tát, ghi nhớ công đức của các bậc nhân thần đã vì nước, vì dân và mong các vị tiên liệt phù hộ độ trì cho Quốc thái, Dân an, nhà nhà bình yên, hạnh phúc, thịnh vượng, an khang.

Sau phần lễ là phần hội với nhiều hoạt động phong phú, vui tươi, lành mạnh, bao gồm các trò chơi dân gian: tung còn, đánh yến, cờ tướng, chọi chim, kéo co, đẩy gậy. Đặc biệt là hát giao duyên của thanh niên nam nữ, đã cuốn hút mọi người từ già đến trẻ đông vui, trong đó chủ yếu là hát Lượn then, Hà lều và dân ca Nùng Khen lài. Các hoạt động của hội còn có nhân dân Trung Quốc dọc biên giới giáp Hạ Lang sang vui chung. Vì vậy, Lễ hội chùa Sùng Phúc đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách tứ phương đến tham dự.

Lễ hội Pháo Hoa, Quảng Uyên      

Tục truyền, từ xa xưa Lễ hội Pháo hoa của dân tộc Nùng, Tày được tổ chức vào tháng 2 âm lịch ở một số nơi thuộc huyện Quảng Uyên, Phục Hòa, Hạ Lang và Thạch An. Lễ hội Pháo hoa ở thị trấn Quảng Uyên tổ chức vào ngày 2-2 âm lịch hàng năm.

Trước khi vào phần hội là phần lễ, được tổ chức từ chiều 1-2 âm.  Ban tổ chức lễ hội cùng cùng bà con cô bác đến ngôi miếu Bách Linh Tự tọa lạc nơi đầu thị trấn để dâng lễ cúng, cầu khấn thần linh phù hộ độ trì bước vào năm mới làm ăn phát đạt, thịnh vượng. Bách Linh Tự thờ 100 vị thần thiêng, có tiếng rất linh ứng, nhiệm màu, đứng đầu là rồng, một loài vật trong tứ linh được coi là biểu tượng của sức mạnh kỳ diệu.

Sáng hôm sau (2-2 âm lịch) là lễ rước kiệu thần địa phương, kiệu pháo hoa và kiệu con lợn quay, đoàn rước rồng theo sau. Ngày nay, nhân dân địa phương còn rước kiệu ảnh Bác Hồ dẫn đầu đoàn. Lễ rước thần được xuất phát từ miếu Bách Linh Tự đến đền thờ Nùng Chí Cao, đền thời Trần Hưng Đạo. Đoàn diễu hành qua các phố thị trấn, đến các cơ quan và gia đình, được xem như thần linh vi hành đến thăm hỏi nhân dân và mang lộc cho họ; nên được mọi người đón tiếp nồng nhiệt.

Phần hội được tổ chức vào chiều ngày 2-2, sôi nổi nhất là hội pháo hoa. Đây là loại hình lễ hội vui, khỏe, lành mạnh, thể hiện sức mạnh thể chất cường tráng và rèn luyện bản lĩnh, quyết đoán, nhanh nhẹn, năng động, tinh thần thượng võ, hào hiệp của thanh niên. Ban Tổ chức lễ hội tập hợp các đội thanh niên thành hình vòng tròn vây xung quang khu vực trung tâm sân chơi. Ai giành được vòng lộc ở đầu pháo thì cả năm sẽ phát tài lộc, bình an, may mắn. Phần thưởng là con lợn quay lá mác mật cho cả đội chơi và chiếc thủ lợn hoàn toàn thuộc về chủ nhân vòng lộc.  Ngày hôm đó, ở đâu ta cũng gặp bà con đồ sôi ngũ sắc và thịt lợn quay, thứ đặc sản lễ hội rất ngon lành cùng các loại bánh, kẹo, đồ ăn, thức uống bản địa. Ngày hội, còn có múa rồng, múa lân và diễn ra các trò chơi dân gian, kéo co, đẩy gậy kết hợp bóng chuyền, bóng đá, hát sli, lượn giao duyên, tung còn, võ dân tộc, làm cho không khí thêm rộn ràng, sôi nổi đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Lễ hội Pháo hoa ở Quảng Uyên là một trong những lễ hội có quy mô và đông vui nhất tỉnh Cao Bằng. Thị trấn Quảng Uyên có vị trí gần như trung tâm, và là đường giao thông huyết mạch của các huyện miền Đông, bà con các dân tộc đi lại thuận lợi. Vì thế, lễ hội pháo hoa tưng bừng, náo nhiệt cuốn hút nhiều du khách đến tham dự./.

Nguồn tin: Lê Chí Thanh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây