Công viên địa chất Cao Bằng

http://caobanggeopark.com


“Pẻng moóc” - bánh coóc mò cốm của người Tày ở Ngọc Côn

“Pẻng moóc” (coóc mò gón lình) là bánh coóc mò cốm gói bằng lá cọ chỉ có ở vùng đồng bào dân tộc Tày xã Ngọc Côn (Trùng Khánh).

Bánh coóc mò cốm thường được người Tày ở Ngọc Côn làm vào dịp lễ hội, cưới hỏi.

Trùng Khánh không chỉ là “xứ sở thần tiên” với nhiều danh thắng mà còn là nơi có nhiều đặc sản nổi tiếng. Đặc biệt phải kể đến loại gạo nếp Ong thơm ngon, mềm dẻo được trồng trên những đám ruộng màu mỡ bên dòng sông Quây Sơn. Trong các loại bánh được làm từ gạo nếp Ong của người Tày ở Ngọc Côn thì pẻng moóc là món ăn bình dị nhưng có hình thức và hương vị độc đáo riêng biệt. 

Về cơ bản, pẻng moóc cũng làm tương tự như coóc mò cốm, tuy nhiên điểm đặc biệt là bánh được gói bằng lá cọ, thay vì lá chuối hay lá dong như những loại coóc mò bình thường khác. Pẻng moóc tuy là món ăn dân dã nhưng phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và cần đến đôi bàn tay khéo léo của người tạo nên. Trước tiên, người ta lên rừng chặt những tàu lá cọ bánh tẻ xanh mướt mang về gói bánh. Tùy thuộc vào kích thước của lá cọ, người ta có thể đan thành khuôn hình chữ nhật, hình ngũ giác to nhỏ khác nhau. Điểm đặc biệt của lá cọ là sau khi nấu chín, lá trở nên cứng, không bị mềm như lá dong, lá chuối.
Tiếp theo là công đoạn làm cốm - “linh hồn” của mỗi chiếc pẻng moóc. Lúa nếp Ong được chọn lựa kỹ, ngắt từng bông rồi đem về chế biến luôn bởi nếu để mấy ngày sau mới làm thì sẽ mất đi hương thơm và độ dẻo của cốm. Sau khi đã có phần cốm dẻo thơm làm nguyên liệu chính, những người phụ nữ Tày thể hiện sự khéo léo của mình thông qua công đoạn gói bánh. 
Cốm nếp được đổ từ từ vào khuôn đan sẵn bằng lá cọ, nếu nén cốm quá chặt thì hạt nếp sẽ không nở được, bánh bị sượng và không mềm dẻo. Những chiếc pẻng moóc sau khi được gói cẩn thận xong xâu thành từng cặp hoặc chùm nhỏ, cho vào nồi xếp ngập nước và luộc từ 2 - 3 giờ. Pẻng moóc luộc xong lớp lá bên ngoài có màu vàng tươi, phần bánh bên trong vừa rắn vừa dẻo, có hương thơm của nếp lại thoảng mùi thanh khiết của lá cọ. Cắn từng miếng bánh nhỏ ta thấy được vị dẻo thơm, ngọt lành trong từng hạt cốm nếp. 
Người Tày ở Ngọc Côn chỉ làm pẻng moóc vào dịp lễ hội, cưới hỏi mỗi độ cuối thu, đầu đông. Nếu có dịp ghé thăm và thưởng thức món bánh độc đáo này, du khách sẽ được cảm nhận trọn vẹn cái mộc mạc, bình dị của đồng bào nơi đây.

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây