Công viên địa chất Cao Bằng

http://caobanggeopark.com


Trải nghiệm văn hoá đặc sắc ngày chợ phiên miền Non nước Cao Bằng

          Những giá trị độc đáo về di sản địa chất có ý nghĩa tầm cỡ quốc tế, và những giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, cùng với những giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đã được UNESCO vinh danh là CVĐC toàn cầu UNESCO. Ngoài những giá trị kể trên, CVĐC Non nước Cao Bằng còn là nơi chứa đựng những nét văn hoá truyền thống riêng biệt của cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống trong vùng CVĐC, đặc biệt là ngày chợ phiên của các đồng bào dân tộc. Hành trình trải nghiệm trên tuyến du lịch của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, sẽ có thêm điểm dừng chân thú vị nếu du khách tham dự ngày chợ phiên. Chợ phiên vùng cao tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng trong đó chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc. Các dân tộc anh em Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ, Kinh… cùng tụ họp để mua bán hàng hóa và giao lưu tình cảm.

          Về thời gian họp chợ, tất cả các chợ đều họp theo phiên vào những ngày cố định trong tháng, mỗi tháng có 6 phiên chợ luân phiên tạo thành 1 chu kỳ khép kín theo ngày âm lịch. Chợ phiên thường họp từ sáng sớm và thường chỉ diễn ra trong nửa buổi sáng là chợ đã vãn người.

          Hành trình về phía Bắc, lịch chợ phiên như sau: Chợ Hòa An vào ngày có đuôi 3 và 8; Chợ Cao Bình họp ngày 5 và ngày 0; Chợ Nà Rị ngày 4 và 9; Chợ Nà Giàng ngày 1 và 6; Chợ Bản Giới ngày 5 và 10; Chợ Sóc Hà ngày 2 và 7; Chợ Tổng Cọt ngày 2 và 7. Chợ quy mô lớn nhất là chợ Nước Hai (Hòa An) và có 1 điều đặc biệt khi chợ nằm tại trung tâm 1 thị trấn phát triển nhất tỉnh, bà con vẫn luôn giữ được nét văn hóa truyền thống khi ngôn ngữ chính mọi người trao đổi với nhau là tiếng dân tộc Tày. Còn đối với những chợ giáp biên trên địa bàn huyện Hà Quảng du khách sẽ mua được những món hàng do người Trung Quốc sang giao lưu buôn bán. Và còn gì thú vị hơn khi ta bắt gặp khoảnh khắc nhịp nhàng theo bước chân của những thiếu nữ người Mông trong trang phục truyền thống xuống chợ. Còn về ẩm thực, những món quà quê mà bạn nên thử là bánh trời (pẻng phạ), bánh ngải, khẩu shi, tương bần…

59 Chợ phiên Nà Giàng, Hà Quảng Phạm Khoa
Chợ phiên Nà Giàng, Hà Quảng - Phạm Khoa

         Hành trình về phía Tây của CVĐC đến với huyện Nguyên Bình, chợ huyện diễn ra vào ngày có đuôi 3 và 8 âm lịch, chợ Tĩnh Túc ngày 5 và ngày 0, chợ Nà Bao ngày 4 và 9, chợ Phai Khắt ngày 2 và 7, chợ Phja Đén ngày 1 và 6. Tại những ngày chợ phiên huyện Nguyên Bình du khách sẽ rất ấn tượng với những bộ trang phục sặc sỡ và tinh tế của dân tộc Dao đỏ và Dao tiền và cũng đừng quên chọn cho mình những món quà là sản phẩm của nghề chạm bạc nổi tiếng, thêu thổ cẩm hoặc in hoa văn sáp ong. Những sản vật của núi rừng như nấm hương, sa nhân, mật ong, miến dong…

60 Phụ nữ dân tộc Dao Đỏ tại chợ Nguyên Bình ảnh LTĐ
Phụ nữ dân tộc Dao Đỏ tại chợ Nguyên Bình

        Còn trên tuyến hành trình về hướng Đông của CVĐC, với những nét văn hóa nổi tiếng của người Nùng An – Quảng Uyên, du khách sẽ bắt gặp vào phiên chợ tại Thị trấn Quảng Uyên ngày có đuôi 1 và 6, chợ Háng Cháu ngày có đuôi 3 và 8 âm lịch. Đặc trưng là những sản phẩm từ đôi bàn tay khéo léo của người Nùng An như giấy bản, hương, vải chàm, sản phẩm nghề rèn hay đan lát… đến chợ phiên vùng Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa du khách cũng đừng quên tìm mua kẹo lạc, ngà hoóc thơm ngon. Sang đến huyện Trùng Khánh, chợ huyện diễn ra vào ngày có đuôi 5 và 0, chợ Pò Tấu ngày 1 và 6, chợ Pò Peo ngày 4 và ngày 9, chợ Thông Huề ngày 2 và 7. Du khách có thể mua về những món quà quê như bánh khảo, tương mạch, đậu phụ chao, bỏng gạo, những hộp thạch trắng ( thạch mác púp) mát lành, ngọt dịu hay những con cá được bắt lên từ những dòng nước trong xanh…

61 Sản phẩm nghề đan lát được bán tại chợ phiên Phạm Khoa
Sản phẩm nghề đan lát được bán tại chợ phiên - Phạm Khoa

          Phiên chợ vùng cao với mùa nào thức ấy, bà con xuống chợ đem theo những sản vật từ núi rừng hay sản phẩm từ sự cần cù lao động hàng ngày, cũng có khi bà con xuống chợ chỉ để gặp gỡ giao lưu bạn bè, gặp gỡ lứa đôi, hay đơn giản chỉ hẹn nhau ăn bát phở sáng cùng uống với nhau chén rượu nồng.

          Đến với chợ phiên du khách cũng sẽ thêm yêu người Cao Bằng, khi chứng kiến phong cách bán hàng của đồng bào dân tộc họ chân thành, không nói thách cao, cho thử hàng trước khi mua, thậm chí nếu cảm mến người mua người bán sẽ biếu thêm sản phẩm cho người mua hàng, điều đó thể hiện rõ bản chất thật thà và lối ứng xử văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Bằng.

          Nếu có dịp đến với Cao Bằng, trải nghiệm ngày chợ phiên miền Non nước Cao Bằng, hòa mình vào không khí rộn ràng để cảm nhận sự hồn hậu chất phác của người vùng cao và thưởng thức những đặc sản và nét văn hóa riêng biệt sẽ giúp du khách có được những trải nghiệm riêng biệt về Cao Bằng.

Nguồn tin: Hoàng Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây