Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng tổ chức thực hành thuyết minh cho đối tác và người dân tại các điểm di sản
- Thứ ba - 06/05/2025 16:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này

Chương trình khảo sát nhằm nâng cao kỹ năng thuyết minh, phát huy giá trị di sản văn hóa và nghề thủ công truyền thống, qua đó góp phần phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát triển sinh kế cộng đồng. Tham gia chương trình khảo sát có đại diện chính quyền, đội ngũ đón tiếp khách tại các cơ sở đối tác của CVĐC và người dân đang làm du lịch tại địa phương.

Trong chương trình, các thành viên khảo sát thực tế và thực hành kỹ năng thuyết minh, hướng dẫn, đón tiếp và xử lý tình huống tại các điểm di sản trên tuyến du lịch phía Đông của CVĐC Non nước Cao Bằng tại huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh: Đèo Mã Phục, Mắt Thần núi, làng hương Phja Thắp, làng giấy bản Dìa Trên, làng rèn Pác Rằng, làng ngói Lũng Rì và làng đá Khuổi Ky… Nội dung thuyết minh tập trung về giá trị lịch sử, văn hoá, địa chất của mỗi điểm di sản. Thông qua việc truyển tải kiến thức một cách gần gũi, các thành viên đã góp phần giúp người nghe hiểu rõ hơn về quá trình hình thành địa chất, dấu ấn lịch sử và bản sắc văn hóa của từng điểm đến.
Đặc biệt tại các làng nghề truyền thống, người dân và đội ngũ đón tiếp khách tại các cơ sở đối tác của CVĐC trực tiếp thực hành thuyết minh quy trình sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống: giấy bản, hương Phja Thắp, sản phẩm rèn… Các công đoạn sản xuất được giới thiệu một cách sinh động, trực quan, giúp du khách hiểu sâu hơn về giá trị của mỗi sản phẩm. Bên cạnh đó, các thành viên còn thực hành giới thiệu hệ thống dịch vụ du lịch gắn với trải nghiệm văn hoá bản địa như: thưởng thức ẩm thực truyền thống, giao lưu văn nghệ dân gian, tham gia hoạt động trekking khám phá cảnh quan tự nhiên, trải nghiệm lưu trú cộng đồng (homestay)...

Trong suốt quá trình thực hành, các thành viên phát huy tinh thần chủ động, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến để hoàn thiện nội dung, phương pháp thuyết minh theo hướng hấp dẫn, mạch lạc và chuyên nghiệp. Người dân và đội ngũ làm du lịch tại cơ sở cùng nhau trao đổi về cách truyền tải thông tin phù hợp với từng đối tượng khách, cách xử lý các tình huống thực tế trong quá trình đón tiếp, cũng như cách lồng ghép câu chuyện địa phương nhằm tăng tính cuốn hút và chiều sâu cho phần thuyết minh. Qua đó, giúp du khách hiểu sâu hơn về văn hóa bản địa, góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm du lịch của địa phương và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Chương trình thực địa là một phần trong chuỗi hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực dành cho đối tác và cộng đồng địa phương nhằm từng bước chuyên nghiệp hóa dịch vụ du lịch trong vùng CVĐC. Qua chương trình, bà con và đội ngũ phục vụ đón tiếp khách du lịch được cập nhật kiến thức, bổ sung thông tin chuyên sâu về các điểm di sản; đồng thời có cơ hội trải nghiệm thực tế, chia sẻ kinh nghiệm, thực hành kỹ năng hướng dẫn và xử lý tình huống trong quá trình thuyết minh, đón tiếp du khách.

Việc chú trọng nâng cao kỹ năng thuyết minh, chất lượng đón tiếp tại các điểm di sản là một trong những yếu tố cốt lõi góp phần bảo tồn và lan tỏa giá trị di sản, cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch. Đây là nền tảng để phát triển mô hình du lịch cộng đồng bền vững, mang đậm bản sắc địa phương; từ đó từng bước xây dựng CVĐC Non nước Cao Bằng trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện với du khách trong nước và quốc tế.