Giữ vững danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằngg
- Thứ tư - 21/06/2023 16:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo quy định của UNESCO, danh hiệu CVĐC toàn cầu có thời gian hiệu lực trong vòng 4 năm, sau thời hạn 4 năm, UNESCO sẽ cử chuyên gia tới các CVĐC tái thẩm định việc đáp ứng các tiêu chí của CVĐC toàn cầu. CVĐC Non nước Cao Bằng được công là CVĐC toàn cầu UNESCO vào năm 2018. Theo quy trình thẩm định và tái thẩm định, CVĐC Non nước Cao Bằng đón đoàn chuyên gia tái thẩm định vào năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, trong các năm 2020, 2021, nhiều chương trình thẩm định và tái thẩm định đặc biệt là ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam đã bị trì hoãn. Theo đó, tháng 8/2022, Cao Bằng đón đoàn chuyên gia tái thẩm định của UNESCO. Thực hiện chương trình, Đoàn đã tiến khảo sát thực địa 38 điểm di sản, đối tác CVĐC trên 03 tuyến trải nghiệm trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng. Sau khi khảo sát, đoàn chuyên gia UNESCO đánh giá cao những nỗ lực của Cao Bằng trong công tác quản lý, xây dựng và phát triển CVĐC, khẳng định Cao Bằng đang có những mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác xây dựng và phát triển CVĐC, đặc biệt là công tác giáo dục về CVĐC trong trường học thông qua mô hình “câu lạc bộ cùng em khám phá CVĐC” và phát triển sản phẩm CVĐC.
Báo cáo tái thẩm định đối với CVĐC Non nước Cao Bằng được xem xét tại phiên họp lần thứ 2, kỳ họp thứ 7 cuả Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO diễn ra vào tháng 12/2022 theo hình thức trực tuyến. Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đã quyết định trao “thẻ xanh” đối với CVĐC Non nước Cao Bằng với 06 khuyến nghị được đưa ra trong các lĩnh vực: (1) Tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; (2) Nâng cao hình ảnh công viên địa chất; (3) Các hoạt động nâng cao năng lực và giáo dục về CVĐC; (4) Công tác quản lý có sự tham gia của người dân; (5) Bảo tồn ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số (6) Hoạt động hợp tác quốc tế.
Cũng trong kỳ họp lần thứ 7, Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO đã thông qua 18 CVĐC toàn cầu mới trở thành thành viên của Mạng lưới CVĐC toàn cầu. Qua đó, nâng số lượng CVĐC toàn cầu lên 195 trên 48 quốc gia. Hai quốc gia thành viên UNESCO mới tham gia Mạng lưới CVĐC toàn cầu là Niu Di-lân và Phi-líp-pin. Các CVĐC toàn cầu mới bao gồm:
CVĐC toàn cầu UNESCO Caçapava (Bra-xin): nằm ở Bang Rio Grande do Sul, cực nam Bra-xin, CVĐC Caçapava chứa đựng các giá trị di sản địa chất, trong đó có kim loại sunfua, đá cẩm thạch giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. CVĐC lưu giữ minh chứng cho sự chuyển đổi của mảng Nam Mỹ từ kỷ Ediacara sang kỷ Cambria khoảng 600 đến 500 triệu năm trước.
CVĐC toàn cầu UNESCO Quarta Colônia (Bra-xin):
CVĐC nằm ở phía nam Brazil giữa quần xã sinh vật đồng cỏ Nam Mỹ và Rừng Đại Tây Dương. Nơi đây có những biệt thự kiểu thuộc địa, dấu tích của người quilombolas (hậu duệ của nô lệ gốc Phi) và nhiều hóa thạch của động vật và thực vật, có niên đại 230 triệu năm.
CVĐC toàn cầu UNESCO Lavreotiki (Hy Lạp):
CVĐC nổi tiếng với sự phong phú và đa dạng của các mẫu khoáng vật, nhiều mẫu trong số đó lần đầu tiên được phát hiện tại nơi đây.
CVĐC toàn cầu UNESCO Ijen (In-đô-nê-xi-a):
CVĐC nằm ở các huyện Banyuwangi và Bondowos, tỉnh Đông Java . Ijen là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trong hệ thống hõm chảo Ijen. Ijen là hồ miệng núi lửa có tính axit cao nhất trên thế giới là là hồ miệng núi lửa lớn nhất.
CVĐC toàn cầu UNESCO Maros Pangkep (In-đô-nê-xi-a):
CVĐC nằm dọc theo nhánh phía nam của đảo Sulawesi ở Maros và Pangkep. CVĐC có diện tích 5.077 km2, trong đó hơn một nửa diện tích CVĐC nằm dưới biển, bao gồm 39 hòn đảo. Quần đảo này nằm trong Tam giác San hô và là trung tâm bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô.
CVĐC toàn cầu UNESCO Merangin Jambi (In-đô-nê-xi-a):
CVĐC là nơi có các hóa thạch độc đáo của “thực vật Jambi”, là loài thực vật hóa thạch lộ thiên duy nhất thuộc loại này trên thế giới hiện nay. Cảnh quan của CVĐC bao gồm các vùng đất thấp ở phía đông và vùng cao nguyên phía tây.
CVĐC toàn cầu UNESCO Raja Ampat (In-đô-nê-xi-a):
CVĐC gồm bốn hòn đảo chính và đặc biệt vì có khối đá lộ thiên lâu đời nhất tại In-đô-nê-xi-a, (kỷ Silur-Devon, cách ngày nay 443,8-358,9 triệu năm). Đặc trưng nhất về giá trị địa chất là các đảo nhiệt đới (hình thành do biển nâng trong giai đoạn Kỷ Đệ Tứ (khoảng 2,58 triệu năm đến 11.700 triệu năm trước); quá trình karst hoá đã hình thành số lượng lớn hang động cả trên cạn và dưới nước.
CVĐC toàn cầu UNESCO Aras (Iran):
CVĐC nằm ở phía tây bắc Iran, cực nam của dãy núi Caucasus Lesser. Giá trị địa chất mang tầm quốc tế quan trọng nhất trong vùng CVĐC là dấu vết của sự kiện tuyện chủng cách đây 252 triệu năm, đánh dấu ranh giới Permi-Trias, một trong những sự kiện quan trong nhất của lịch sử Trái đất.
CVĐC toàn cầu UNESCO Tabas (Iran):
Sa mạc rộng 22.771 km2 ở phía tây bắc tỉnh Nam Khorasan nơi CVĐC toạ lạc là “thiên đường địa chất của Iran”. Nơi đây có thể theo dõi quá trình tiến hóa của hành tinh này từ giai đoạn sớm nhất của lịch sử Trái đất cách đây 4,6 tỷ năm trước (Tiền Cambri) đến Kỷ Phấn trắng sớm khoảng 145 triệu năm trước mà không có một gián đoạn nào dù là nhỏ nhất.
CVĐC toàn cầu UNESCO Hakusan Tedorigawa (Nhật Bản):
Nằm ở miền trung Nhật Bản, dọc theo sông Tedori từ núi Hakusan xuống biển, CVĐC HakusanTedorigawa. Nơi đây có địa tầng chứa hóa thạch khủng long tích tụ trong các sông hồ trên đất liền vào thời kỳ Nhật Bản còn thuộc lục địa Á-Âu.
CVĐC toàn cầu UNESCO Kinabalu (Malaysia):
Với diện tích 4.750 km2, CVĐC đặc trưng bởi các giá trị địa chất phong phú trong đó có đá siêu mafic hàng tỷ năm tuổi, là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật đặc hữu không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất.
CVĐC toàn cầu UNESCO Waitaki Whitestone (Niu-Di lân):
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đầu tiên của Niu-Di lân nằm trên bờ biển phía đông của Đảo Nam, có diện tích 7.214km2 từ thung lũng Waitaki đến chân dãy An-pơ ở phía nam. CVĐC lưu giữ những thông tin về lục địa thứ tám trên Trái đất, Zealandia. Ngày nay, khoảng 90% lục địa Zealandia vẫn chìm dưới đại dương.
CVĐC toàn cầu UNESCO Sunnhordland (Na Uy):
Các cảnh quan trong CVĐC bao gồm những ngọn núi cao bao phủ bởi các dòng sông băng đến các quần đảo với hàng nghìn hòn đảo nằm trên dải đất bằng phẳng dọc theo bờ biển. Hai vành đai tạo núi lớn nhất trên Trái đất nằm trong vùng CVĐC này. Phía mặt nam có các đá gốc từ vỏ đại dương và hệ thống vòng cung đảo (các ngày nay 500-450 triệu năm).
CVĐC toàn cầu UNESCO đảo Bohol (Phi-líp-pin):
Đây là CVĐC troàn cầu đầu tiên của Philippines được UNESCO công nhận. CVĐC có rất nhiều các điểm di sản địa chất đá vôi như hang động, hố sụt, và nón karst, trong đó có các đồi Chocolate hình nón nổi tiếng và rạn san hô kép Danajon duy nhất ở khu vực Đông Nam Á.
CVĐC toàn cầu UNESCO Bở biển phía Tây Jeonbuk (Hàn Quốc):
CVĐC kể về 2,5 tỷ năm lịch sử địa chất được biểu hiện rõ ràng ở phía tây của Hàn Quốc. CVĐC toàn cầu UNESCO Bờ biển phía Tây Jeonbuk đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và tự nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển, và khu Ramsar.
CVĐC toàn cầu UNESCO Cabo Ortegal (Tây Ban Nha):
CVĐC cho thấy một số bằng chứng hoàn chỉnh nhất ở châu Âu về vụ va chạm đã gây ra Pangea, một quá trình được gọi là Kiến tạo sơn Variscan. Hầu hết đá trong CVĐC này đã được đưa lên bề mặt do sự va chạm của hai lục địa Laurussia và Gondwana, những lục địa này cuối cùng sát nhập siêu lục địa Pangea khoảng 350 triệu năm trước.
CVĐC toàn cầu UNESCO Khorat (Thái Lan):
CVĐC thuộc tỉnh Nakhon Ratchasima, đông bắc Thái Lan. Đặc điểm địa chất độc đáo của khu vực là sự đa dạng và phong phú của các hóa thạch có tuổi từ 16 triệu đến 10.000 năm trong đó có hoá thạch khủng long, voi…
CVĐC toàn cầu UNESCO Mourne Gullion Strangford (Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen):
CVĐC có diện tích 1.932km2 minh chứng cho sự biến mất của Đại dương Iapetus và sự ra đời của Bắc Đại Tây Dương. Sự kết hợp của môi trường núi và bờ biển đã tạo thành sự đa dạng lớn về các đặc trưng băng hà hiếm thấy ở các khu vực nhỏ.