Công tác xây dựng và phát triển Công viên địa chất Non nước Cao Bằng – Một năm nhìn lại
- Thứ hai - 15/01/2024 14:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chỉ đạo trực tiếp cơ quan chuyên trách là Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch của UBND tỉnh Cao Bằng, với nhiệt huyết và những nỗ lực không ngừng, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận đó là: được UNESCO cấp Bằng Chứng nhận sau kỳ tái thẩm định lại lần 1. Điều này đã tạo bước chuyển biến trong hoạt động du lịch Cao Bằng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đưa du lịch Cao Bằng từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hiện nay, Ban quản lý đã và đang phát huy lợi thế để kết nối mạng lưới, thúc đẩy các mối liên kết hợp tác đa chiều với các đơn vị trong, ngoài tỉnh, kết nối với các ban quản lý CVĐC; tham gia, tổ chức các hoạt động của mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO để tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác và quảng bá hình ảnh của CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Đoàn công tác tỉnh Cao Bằng tham dự và tham gia gian hàng quảng bá về CVĐC tại Hội nghị quốc tế lần thứ 10 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO tại Vương quốc Ma-Rốc (tháng 9/2023).
Hoạt động tuyên truyền giáo dục trong trường học phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tích cực và sôi nổi. Tổ chức được 04 lớp tập huấn cho 306 lượt giáo viên phụ trách Câu lạc bộ “ Cùng em khám phá CVĐC” trong trường THCS và THPT vùng CVĐC Non nước Cao Bằng. Mô hình Câu lạc bộ “ Cùng em khám phá CVĐC” hiện nay đã có hơn 100 CLB được thành lập đã tích cực thực hiện các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế, tuyên truyền trong trường học và cộng đồng dân cư và hành động dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các điểm di sản và hưởng ứng ngày làm cho thế giới sạch hơn...
Công tác tuyên truyền quảng bá được thực hiện thường xuyên thông qua các ấn phẩm, tờ rơi, bản tin, fanpage CVĐC Non nước Cao Bằng, trong đó Website caobanggeopark.com thu hút gần 3 nghìn lượt truy cập mỗi tháng. Giới thiệu về CVĐC Non nước Cao Bằng tại Hội nghị Giới thiệu Cao Bằng tại Hà Nội (tháng 10/2023) và Ngày hội Du lịch Non nước Cao Bằng năm 2023 tại Hà Nội (tháng 12/2023).
Bên cạnh đó, Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng cũng luôn quan tâm, phát triển mạng lưới đối tác CVĐC cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư gắn với quản lý và bảo tồn di sản, văn hóa, đa dạng sinh học, môi trường và phát triển du lịch bền vững. Hiện có 45 thành viên chính thức, tích cực tham gia các hoạt động chia sẻ lợi ích cộng đồng, hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh du lịch. Nâng cao năng lực cho các cá nhân, cộng đồng dân cư, đối tác CVĐC thông qua các lớp tập huấn, khảo sát thực tế và hội thảo nâng cao năng lực, tổ chức được 13 cuộc cho 575 lượt người, trong đó tổ chức đưa bà con, đối tác đi học tập kinh nghiệm tại Thành phố Hà Nội, tỉnh Hòa Bình, CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang.
Sở VHTTDL phối hợp chặt chẽ với các sở ban ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện đảm bảo cảnh quan môi trường, và thẩm định các dự án, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đảm bảo theo Công văn số 2550/UBND-CN, ngày 23/9/2021 của UBND tỉnh thực hiện bàn giao sản phẩm của Dự án “Khoanh vùng di sản và đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản trong CVĐC Non nước Cao Bằng”.
Một nét nổi bật trong năm đó là Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển và quản lý các tuyến du lịch CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Tỉnh đã hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và tổ chức công bố tuyến du lịch trải nghiệm thứ 4 CVĐC “Một thời hoa lửa” nhân kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (09/7/1960 -09/7/2023).
Công tác chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế APGN tại Cao Bằng đang được triển khai một cách nghiêm túc và khẩn trương, Sở VHTTDL đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập ban tổ chức Hội nghị và phối hợp chặt chẽ với Chuyên gia UNESCO để tư vấn các nội dung chuẩn bị cho hội nghị được tổ chức như: Chương trình Hội nghị, cổng đăng ký cho đại biểu tham dự Hội nghị, chương trình khai mạc, bế mạc, phương án phục vụ ăn uống cho đại biểu... Tổ chức được 08 lớp tập huấn cho 482 lượt người là Giáo viên Tiếng Anh tham gia thuyết minh viên, tình nguyện viên, Đoàn viên thanh niên, các đơn vị, cá nhân hoạt động lĩnh vực truyền thông, lữ hành, hướng dẫn viên, các đơn vị vận tải, đội ngũ lái xe...
Đặc biệt CVĐC Non nước Cao Bằng luôn nhận được sự tư vấn hiệu quả từ phía Chuyên gia UNESCO. Trong năm vào tháng 3, 8,11/2023 đã đón tiếp và làm việc với chuyên gia UNESCO tại Cao Bằng lên tư vấn về công tác chuẩn bị cho Hội nghị APGN; khảo sát, đánh giá công tác xây dựng, phát triển CVĐC Non nước Cao Bằng và tư vấn xây dựng tuyến trải nghiệm kết nối CVĐC Non nước Cao Bằng và CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn.
Thời gian tới, CVĐC Non nước Cao Bằng với nhiệm vụ tổ chức thành công Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; Năm cần chú trọng đến các khuyến nghị của chuyên gia UNESCO đối với CVĐC Non nước Cao Bằng trong kỳ tái thẩm định năm 2022, chuẩn bị cho tái thẩm định danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng lần 2 (dự kiến năm 2025),…
Nhìn lại năm 2023, CVĐC Non nước Cao Bằng đã ghi nhận những thành quả bước đầu trên con đường xây dựng và phát huy danh hiệu CVĐC toàn cầu. Năm 2024, với những thách thức và nhiệm vụ nặng nề khi tập trung toàn lực tổ chức thành công hội nghị APGN từ đó ngày càng khẳng định thương hiệu du lịch CVĐC Non nước Cao Bằng trên bản đồ khu vực và thế giới, góp phần thu hút du khách trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Đồng thời, thể hiện những nỗ lực của chính quyền và người dân tỉnh Cao Bằng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản địa chất.