Đại diện Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng tham gia tái thẩm định danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Idrija
- Thứ hai - 12/05/2025 20:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này

Đoàn chuyên gia tái thẩm định gồm ông Richard Watson, Chuyên gia cao cấp của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO (GGN), Nguyên giám đốc CVĐC The Marble Arch Caves Global Geopark (Ireland) và ông Vi Trần Thuỳ, Giám đốc Ban Quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Trong khuôn khổ chương trình, Đoàn chuyên gia đã tiến hành khảo sát thực địa tại các điểm di sản: trung tâm thông tin CVĐC Idrija và triển lãm “Viết trên đá”; mỏ thủy ngân Idrija; các địa điểm địa chất và văn hóa tại thung lũng Kanomlja; công viên cảnh quan Zgornja Idrijca và tuyến đường Feldban; các giá trị địa chất, sinh thái, hệ thống sông suối và đường sắt thời Thế chiến I; cao nguyên Idrijske Krnice; nhà máy luyện thủy ngân Idrija; các địa điểm giáo dục – truyền thông, cơ sở du lịch cộng đồng… Bên cạnh đó, Đoàn chuyên gia còn tham gia trải nghiệm các hoạt động giáo dục, du lịch, văn hoá và sinh kế cộng đồng như: giao lưu với hội phụ nữ và người dân địa phương, tham gia lớp học làm bánh truyền thống, thưởng thức sản phẩm địa phương mang nhãn hiệu tập thể của CVĐC “Idrija Selected”…

Trong quá trình tái thẩm định, Đoàn chuyên gia đã làm việc với chính quyền địa phương, Ban Quản lý CVĐC Idrija, Hội đồng Du lịch Idrija và Ủy ban UNESCO quốc gia Slovenia để thảo luận, đánh giá kết quả đạt được kể từ kỳ thẩm định gần nhất vào năm 2021; đánh giá sơ bộ kết quả khảo sát thực địa tại CVĐC toàn cầu UNESCO Idrija và công tác xây dựng, phát triển CVĐC theo các tiêu chí của CVĐC toàn cầu UNESCO. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy phát triển bền vững tại CVĐC Idrija trong thời gian tới.

Với vai trò là thành viên Đoàn chuyên gia tái thẩm định, ông Vi Trần Thuỳ, Giám đốc Ban Quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục CVĐC, phát triển du lịch bền vững, xây dựng mạng lưới đối tác địa phương và bảo tồn tri thức bản địa.

Những đóng góp chuyên môn này thể hiện vai trò chủ động, trách nhiệm của CVĐC Non nước Cao Bằng trong các hoạt động chung của GGN, đồng thời mở ra cơ hội học hỏi những mô hình hiệu quả từ các CVĐC thành viên khác. Qua đó góp phần tăng cường mối liên kết giữa các CVĐC, lan tỏa tinh thần sẻ chia kinh nghiệm, đồng kiến tạo những giá trị mới, hướng tới mục tiêu phát triển hài hòa giữa bảo tồn di sản và cải thiện sinh kế cộng đồng trên phạm vi toàn cầu.