Công viên địa chất Cao Bằng

http://caobanggeopark.com


Đoàn chuyên gia mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát với UBND tỉnh Cao Bằng

Ngày 6/7, Đoàn chuyên gia UNESCO do ông Guy Martini, cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO làm việc với tỉnh Cao Bằng. Dự buổi làm việc có đồng chí Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở: Văn hóa,Thể thao và Du lịch, Tài chính, Giáo dục – Đào tạo, Tài nguyên & Môi trường.
Ảnh 1
 Toàn cảnh cuộc họp

Tại buổi làm việc, ông Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO đã báo cáo đánh giá sơ bộ kết quả khảo sát (từ ngày 30/6 đến ngày 5/7/2020) đối với 3 tuyến trải nghiệm của CVĐC và công tác xác định các điểm di sản để xây dựng tuyến du lịch trải nghiệm thứ 4 trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng.

Ảnh 2
Ông Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO phát biểu tại buổi làm việc
Theo ông Guy Martini, công tác xây dựng và phát triển của 3 tuyến trải nghiệm của CVĐC Non nước Cao Bằng nhìn chung đang đi đúng hướng và đạt được một số kết quả nhất định và bám sát theo các khuyến nghị của UNESCO; chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư quan tâm và tham gia vào công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy các điểm di sản trong cả 3 tuyến trải nghiệm. Tuy nhiên, có một số nội dung mà CVĐC Non nước Cao Bằng cần phải tập trung cải thiện trong thời gian tới, như các nội dung liên quan tới cơ sở hạ tầng và vệ sinh môi trường tại các điểm di sản, đặc biệt là công tác tuyên truyền quảng bá để thu hút du khách tới tham quan và trải nghiệm các điểm di sản, qua đó đem lại lợi ích về kinh tế xã hội cho cộng đồng dân cư sinh sống gần các điểm di sản.
Ảnh 3
Đoàn Khảo chuyên gia UNESCO khảo sát tại điểm di sản San hô cổ Lang Môn, huyện Nguyên Bình
Đối với Tuyến phía Tây của CVĐC Non nước Cao Bằng, Đoàn chuyên gia UNESCO đánh giá rất cao hiệu quả công tác đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm di sản và các hoạt động liên quan đến bảo tồn và gìn giữ vệ sinh môi trường tại các điểm di sản trong tuyến Phía tây của CVĐC Non nước Cao Bằng. Công tác trưng bày và giới thiệu về các điểm di sản tại điểm Đồn Phai Khắt được thực hiện rất bài bản và thu hút được sự quan tâm của du khách. Các tài liệu ấn phẩm và bảo tàng 3D tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo được thực hiện bài bản và hấp dẫn, tuy nhiên công tác thực hiện các nội dung này trong thời gian tới cần phải lồng ghép tốt hơn và quảng bá được giá trị của CVĐC toàn cầu UNESCO gắn với các tài liệu và công cụ tuyên truyền quảng bá này.
Ảnh 4
Đoàn Khảo chuyên gia UNESCO khảo sát tại điểm di sản Đền Vua Lê, huyện Hoà An
Đối với Tuyến Phía Bắc về cơ bản Đoàn chuyên gia cũng đánh giá cao sự quan tâm của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong gìn giữ và bảo vệ các điểm di sản và công tác vệ sinh môi trường tại các điểm di sản này. Tuy nhiên một số điểm di sản vẫn cần phải cải thiện về cơ sở hạ tầng để du khách có thể tham quan một cách thuận tiện điểm di sản, ví dụ như cải thiện tuyến đường đi bộ lên hang Ngườm Bốc và Ngườm Slưa; hệ thống thùng rác cần phải được bố trí đồng bộ và bài bản. Đoàn chuyên gia cũng đã tiến hành khảo sát và nghiên cứu để bổ sung thêm một số điểm Di tích Nặm Lìn, mô hình trồng rau hữu cơ và nhà Sàn Hồng Việt vào tuyến trải nghiệm phía Bắc.
Ảnh 5
Đoàn Khảo chuyên gia UNESCO khảo sát Vườn cây hạt dẻ tại Bản Khẩy, xã Chí Viễn (Trùng Khánh)

Đối với tuyến phía Đông, nhìn chung các điểm di sản tại tuyến phía Đông được duy trì cơ bản, tuy nhiên còn tồn tại một số vấn đề về công tác quản lý rác thải, và các điểm di sản chưa thường xuyên quan tâm đúng mức. Đối với làng Hương Phja Thắp và làng Đá Khuổi Ky thì chính quyền địa phương cần phải quan tâm hơn đối với công tác gìn giữ cảnh quan chung như tránh việc đặt các bồn chứa nước inox lên trên cao cũng như việc hạn chế và thân thiện hoá công trình xây dựng bằng xi măng, cốt thép trong các làng truyền thống. Hiện tại tuyến đường từ Hạ Lang sang Trùng Khánh đang được nâng cấp, do việc tham quan và trải nghiệm các điểm di sản trong tuyến này sẽ không đảm bảo và trước mắt sẽ tạm dừng khai thác các điểm này. Đoàn chuyên gia đã tiến hành khảo sát và lựa chọn được một số điểm thay thế như: Làng nghề giấy bản thủ công tại Bản Dìa Trên, xã Phúc Sen và Mó nước thần bản Lũng Sạng, xã Hồng Quang trên địa bàn huyện Quảng Hoà; Điểm đối tác Lan's Homestay đang lưu giữ văn hoá truyền thống dân tộc Nùng, Vườn cây hạt dẻ tại Bản Khẩy, xã Chí Viễn (Trùng Khánh) và điểm trải nghiệm cảnh quan tại thung lũng bãi sông Nà San, xã Chí Viễn (Trùng Khánh).

Ảnh 6
Đoàn chuyên gia UNESCO khảo sát tại chùa Trúc Lâm-Tà Lùng, Tà Lùng, Quảng Hoà
Đối với công tác phát triển tuyến thứ 4: sau khi tiến hành khảo sát hơn 42 điểm di sản tại khu vực huyện Quảng Hoà, Thạch An và TP.Cao Bằng, Đoàn đã tiến hành đánh giá và lựa chọn được 15 điểm di sản và đối tác, đặc biệt trong số đó có điểm di sản Hóa thạch Thân  mềm  và  than  nâu  trong  trầm  tích  Neogen tại Tổ11, P.Sông  Hiến, TP.Cao  Bằng. Phát  hiện này đã giúp xác định được sự hình thành của môi trường hồ, đầm lầy lục địa cổ có niên đại cách đây hơn 20  triệu năm ngay  tại  khu  vực  thành  phố Cao  Bằng  ngày  nay, đây là điểm di sản địa chất rất độc đáo và có giá trị tầm cỡ quốc tế.
Đối với hoạt động giáo dục về CVĐC trong trường học: phía chuyên gia UNESCO đánh giá rất cao sáng kiến về việc triển khai mô hình "CLB cùng em khám phá CVĐC". Đây là một mô hình mới và chưa có CVĐC toàn cầu nào của UNESCO áp dụng trên thế giới, và hy vọng CVĐC Non nước Cao Bằng sẽ chia sẻ với các CVĐC toàn cầu khác cũng như trong Mạng lưới CVĐC Việt Nam về kinh nghiệm triển khai hoạt động này. Bên cạnh đó, Đoàn chuyên gia cũng đánh giá rất cao sáng kiến về việc triển khai hoạt động phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình CVĐC toàn cầu, và Đoàn chuyên gia cũng mong muốn CVĐC Non nước Cao Bằng sẽ chia sẻ những tài liệu và kinh nghiệm triển khai hoạt động này với các CVĐC toàn cầu khác.
Trong thời gian tới phía Chuyên gia UNESCO sẽ tiếp tục phối hợp với Ban quản lý CVĐC để tham mưu cho tỉnh triển khai một số nội dung liên quan nhằm xây dựng và phát huy giá trị của các điểm di sản, trong đó tập trung vào: quảng bá giới thiệu các điểm di sản, các tuyến trải nghiệm tới du khách và đơn vị lữ hành để mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh điểm di sản; triển khai công cụ giám sát đánh giá các điểm di sản để thu thập thông tin về số lượng du khách đến tham quan tại các điểm di sản, và các số liệu liên quan để phục vụ cho công tác quản lý và ra quyết định; triển khai một số hạng mục để thu hút và cung cấp cho du khách về các điểm di sản hoá thạch như điểm pa nô check in cho du khách; đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý và quảng bá các điểm di sản như việc ứng dụng mã Q.R trong quảng bá thông tin di sản;  tư vấn cho tỉnh những nhiệm vụ cần thiết để phục vụ cho kỳ tái thẩm định trong thời gian tới.
Ảnh 7
Đồng chí Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao kết quả của Đoàn trong việc đánh giá 3 tuyến trải nghiệm và khảo sát xây dựng tuyến trải nghiệm thứ 4 trong vùng CVĐC. Qua chuyến khảo sát, Đoàn chuyên gia CVĐC Toàn cầu UNESCO đã chỉ ra được những nội dung mà tỉnh cần phải quan tâm thực hiện và đưa ra những đề xuất đối với việc xây dựng và phát triển CVĐC Non nước Cao Bằng trong thời gian tới để tiếp tục nâng tầm giá trị của CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng phục vụ cho phát triển du lịch bền vững, một trong những thế mạnh của tỉnh.
UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các khuyến nghị của Đoàn chuyên gia UNESCO. Đối với những ý kiến đề xuất của Đoàn chuyên gia, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tham gia phối hợp. triển khai thực hiện để nâng cao hiệu quả và phát huy được giá trị của 3 tuyến du lịch trải nghiệm CVĐC gắn với phát triển kinh tế và cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng CVĐC; đề nghị Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng làm đầu mối phối hợp với các ngành liên quan và chuyên gia UNESCO tham mưu cho tỉnh triển khai các nội dung liên quan đến đề xuất của chuyên gia và hoàn thiện các thủ tục để xây dựng tuyến du lịch trải nghiệm thứ 4 của CVĐC Non nước Cao Bằng, qua đó  góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây