Công viên địa chất Cao Bằng

http://caobanggeopark.com


Đoàn chuyên gia Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng

Ngày 25/5/2022, tại Văn phòng UBND tỉnh Cao Bằng, đoàn chuyên gia Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO do ông Guy Martini, chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng. Đồng chí Lê Hải Hòa, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Ảnh 8
Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự cuộc họp có ông Phạm Vinh Quang, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO, Vụ trưởng vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, ông Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học, Địa chất và Khoáng sản, Trưởng Tiểu ban chuyên môn về CVĐC toàn cầu Việt Nam; ông Trần TânVăn, Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện ĐCKS, Uỷ viên hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO; các chuyên gia trong nước, đại diện lãnh đạo các Sở ngành, và Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng.
Báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát 03 tuyến trải nghiệm CVĐC, ông Guy Martini nhận định công tác quản lý, bảo vệ, khai thác hệ thống cơ sở tại các điểm di sản được thực hiện tốt, hệ thống biển, bảng cơ bản được quản lý tốt, các điểm check-in mới đầu tư tại các điểm di sản có giá trị địa chất độc đáo là Đèo Mã Phục, San hô cổ Lang Môn, Cúc đá Lũng Luông cơ bản thể hiện được giá trị khoa học, có tính thẩm mỹ; các trung tâm thông tin CVĐC được thiết kế đơn giản, nhưng hiệu quả về mặt cung cấp thông tin.
Bên cạnh đó, đoàn chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến nghị về các hoạt động cần tiếp tục triển khai đối với CVĐC Non nước Cao Bằng trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn kiến trúc, văn hoá truyền thống và tạo sinh kế cho người dân, phát triển sản phẩm địa phương. Trong đó, tại điểm di sản Mắt Thần núi cần di chuyển bãi đỗ xe khỏi khu vực hiện tại, không để du khách đi xe vào khu vực Mắt thần núi, nghiên cứu dịch vụ di chuyển từ bãi đỗ xe đến khu vực Mắt Thần núi bằng xe trâu, ngựa kéo…tạo sinh kế cho người dân, thu phí vệ sinh môi trường …Tại điểm di sản làng hương Phja Thắp, cần xây dựng hương ước đối với việc giữ gìn kiến trúc truyền thống của làng, có phương án khắc phục các công trình bê tông hoá, và nghiên cứu việc thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm hương Phja Thắp; CVĐC Non nước Cao Bằng tiếp tục thực hiện tốt 06 khuyến nghị của UNESCO đối với CVĐC Non nước Cao Bằng trong kỳ thẩm định năm 2017; đối với khu vực mở rộng của CVĐC cần thực hiện các hoạt động theo quy định đối với một CVĐC toàn cầu; tiếp tục các hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá di sản trong vùng CVĐC…

Ảnh 2
Đ/c Lê Hải Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hải Hòa cảm ơn đoàn chuyên gia Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO đã có chuyến khảo sát, đánh giá các hoạt động của CVĐC Non nước Cao Bằng và có những đề xuất thiết thực cho công tác xây dựng và phát triển của CVĐC Non nước Cao Bằng, đặc biệt là kỳ tái thẩm định danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành và các địa phương sẽ nỗ lực, thúc đẩy hơn nữa công tác xây dựng và phát triển CVĐC Non nước Cao Bằng, trong đó tập trung quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phục vụ cho kỳ tái thẩm định danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO sắp tới. Đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ môi trường, cảnh quan, bảo tồn văn hoá, kiến trúc truyền thống; đa dạng hoá các loại hình dịch vụ du lịch; xây dựng tuyến trải nghiệm kết nối CVĐC Non nước Cao Bằng – CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); tích cực tham gia các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu, chuẩn bị Hồ sơ ứng cử đăng cai Hội nghị quốc tế về Mạng lưới CVĐC toàn cầu lần thứ 8 của khu vực châu Á Thái Bình Dương dự kiến diễn ra vào năm 2024.

Nguồn tin: BQL CVĐC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây