Độc đáo trang phục dân tộc Bố Y
- Thứ hai - 27/12/2021 11:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi sinh sống lâu đời của 17 dân tộc. Mỗi dân tộc có một trang phục với màu sắc, ý nghĩa riêng và được lưu truyền từ bao đời. Dân tộc Bố Y là một trong những cộng đồng dân tộc gìn giữ khá tốt bản sắc văn hóa riêng. Trang phục của người Bố Y luôn được ca ngợi về sự đặc sắc, duyên dáng và thanh lịch.
Phụ nữ Bố Y ngày xưa mặc váy xòe (cống phìn) như phụ nữ Mông, Hoa. Hoa văn trên váy là nền trắng của vải được giữ lại khi nhuộm chàm, tạo nên các nét hoa văn kẻ tự nhiên, sinh động. Đi đôi với chiếc váy xòe là chiếc áo ngắn năm thân (cóong pù); khi mặc áo lồng vào phía trong cạp váy. Đồng bộ với đôi váy áo nói trên là một chiếc xiêm (vậy zao), xiêm che trước ngực và thả dài tới ngang đầu gối. Hoa văn trên tay áo, trên xiêm, khăn đội đầu thường có hình ốc, hình thập ngoặc, hình kỷ hà, hình tròn… nhiều màu sắc, tạo nên nét duyên dáng của người phụ nữ Bố Y truyền thống.
Ngày nay, do sống cộng cư với các dân tộc khác, người phụ nữ Bố Y đã mặc quần rộng ống, chiếc áo lửng năm thân, cổ viền và hài hòa với nó là chiếc xiêm khâu chiết phía sau. Đó là bộ nữ phục chỉ một màu chàm giống như phụ nữ Nùng và là bộ quần áo họ mặc thường ngày, còn bộ váy áo, xiêm truyền thống chỉ sử dụng vào các dịp lễ tết, cưới xin, đám tang… Ngày xưa, phụ nữ Bố Y thường thích đeo các đồ trang sức bằng bạc như dây chuyền (chá vẳn), khuyên tai (xoài), vòng tay (quẳn)… Ngày nay, thường ngày họ ít dùng, chỉ dùng trong các dịp lễ tết.
Bộ trang phục nữ gồm: áo, váy, khăn đội đầu và giày tự thêu. Chiếc áo của phụ nữ Bố Y gồm áo trong và áo ngoài. Áo trong là kiểu áo tứ thân, có 2 túi ở hai bên để phụ nữ đựng đồ quan trọng; còn áo ngoài có phần cổ và tay được thêu họa tiết cầu kỳ. Đặc biệt, ở tay áo có những họa tiết đặc sắc như hoa, hình đôi bướm đối xứng… Bộ trang phục của phụ nữ Bố Y còn có chiếc tạp dề được làm tỉ mỉ, trang trí những họa tiết thêu hoa mẫu đơn với sắc hồng nổi bật. Váy của người phụ nữ Bố Y là váy xếp nếp xòe có hoa trắng, đen. Họ dùng vải trắng chấm sáp ong rồi mới nhuộm chàm. Để hoàn thành một bộ trang phục cho mình, người phụ nữ Bố Y phải thật khéo léo, tâm huyết, kiên trì và chịu khó thì mới làm được...
Khăn đội đầu (ba can) là một tấm vải dài hẹp (khổ 0,3x2m) màu chàm, khi chít vặn thành hình chữ nhân trước trán, còn hai đuôi khăn để chỏng ở 2 bên đầu. Khăn đội đầu được thêu họa tiết cầu kỳ, để đội khăn đúng kiểu, vuông vắn; phụ nữ phải vấn tóc lên gọn gàng rồi mới quấn khăn. Sau khi quấn khăn, gương mặt họ được lộ rõ, thanh thoát hơn.
Ngoài ra, để tô thêm sắc đẹp trên trang phục của mình, người phụ nữ Bố Y ưa dùng những trang sức bằng bạc như: khuyên tai, vòng tay, vòng cổ, nhẫn..., chủ yếu chị em đeo trang sức vào những dịp lễ, hội, vui Xuân, lễ cưới hay chợ phiên... Thường những lứa tuổi hay đeo nhiều trang sức nhất là các thiếu nữ chưa có gia đình, họ khoác trên mình với bộ áo váy rực rỡ, cùng những bộ trang sức đẹp nhất để đi chợ phiên, hát giao duyên tìm bạn tình...
Những dịp lễ tết, hội hè, đám cưới họ đi giày vải, hài nhung như các dân tộc anh em khác trong vùng. Trong trang phục của người phụ nữ Bố Y vẫn giữ được những nét hoa văn riêng biệt của dân tộc. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ, bộ váy áo xưa được thêu thùa, trang trí bằng các hoa văn hình kỷ hà, hình tròn, hình trôn ốc… mịn màng, sắc nét, bố cục hài hòa, cách pha màu hợp lý, tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ cũng như thể hiện được tư duy thẩm mỹ của người xưa.
Để hoàn thiện một bộ áo váy hoàn chỉnh với nhiều họa tiết thêu tay, thì phải 1 đến 2 tuần mới xong.
Trang phục của đàn ông Bố Y đơn giản hơn với áo tứ thân, cổ viền, tay ngắn, quần lá tọa màu chàm bằng vải thô tự dệt lấy. Ngày nay, thanh niên cũng ít mặc bộ quần áo cổ truyền, họ thường mua quần áo may sẵn hoặc mua vải may theo lối mới giống như thanh niên nhiều tộc người khác.
Người dân tộc Bố Y sống tập trung ở xã Quyết Tiến, xã Tùng Vài và thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ. Đồng bào dân tộc Bố Y vẫn luôn được lưu giữ truyền thống văn hóa từ đời này sang đời khác; đặc biệt là trang phục của họ. Người Bố Y không chỉ lưu giữ để làm đẹp mà đến nay còn là nét đặc trưng góp phần vào phát triển du lịch văn hóa cộng đồng dân tộc Bố Y nói riêng và tiềm năng phát triển du lịch của huyện Quản Bạ nói chung.