Hành trình về nguồn cội qua hang Ngườm Bốc và dấu tích người tiền sử
- Thứ năm - 10/07/2025 16:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này

Nằm trên sườn tây của dãy núi Lam Sơn, hang Ngườm Bốc ẩn mình trong vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, phía dưới chân núi trước cửa hang có mỏ nước trong xanh mát lành. Với vị trí cao ráo, gần nguồn nước giúp dễ dàng lấy nước sinh hoạt và săn bắt thủy sản, hơn nữa khu vực còn có hệ sinh thái đa dạng để dễ dàng săn bắt và hái lượm thực phẩm. Nơi đây từng là nơi cư trú lý tưởng của người tiền sử, thường xuyên săn bắt, hái lượm và hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên để sinh tồn.
Diện tích rộng rãi, vòm hang cao cùng nền phẳng phiu chính là những lợi thế giúp hang Ngườm Bốc trở thành nơi trú ẩn an toàn, kín đáo, bảo vệ người cổ khỏi các loài động vật ăn thịt và thời tiết khắc nghiệt, tránh được nắng nóng vào mùa hè và gió rét về mùa đông. Ngoài ra, con suối dưới chân núi cũng thuận lợi để người xưa lấy đá cuội lên hang sử dụng làm các công cụ lao động.

Khám phá bên trong hang, dấu tích của người tiền sử dần hiện rõ qua các mảng trầm tích chứa ốc suối bám vào vách đá, điều này chứng tỏ ốc suối là loại thức ăn chiếm ưu thế và là một trong những hoạt động kinh tế chủ đạo trong đời sống cư dân cổ Cao Bằng. Đặc biệt, các công cụ đá thô sơ như dao chặt, nạo, cắt, chày nghiền đã được tìm thấy, phản ánh kỹ thuật chế tác đá đơn giản nhưng hiệu quả của nhóm cư dân thời tiền sử. Đi sâu vào trong lòng hang, chúng ta sẽ bắt gặp các hòn cuội suối, tìm kiếm được các công cụ đá mà người tiền sử dùng để chế biến thức ăn như công cụ chặt thô, công cụ bầu dục, công cụ nạo, cắt, chày nghiền….

Năm 2008 Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ tiến hành đào thám sát và thu được các hiện vật như: Công cụ chặt thô dùng để chặt cây, xả thịt con thú; Công cụ nạo, cắt; Chày nghiền (hòn ghè); Cuội nguyên liệu. Tất cả đều được chế tác từ đá cuội sông, suối, bằng kỹ thuật ghè, đẽo thô sơ. Hình dạng công cụ mang đặc trưng sắc thái đá cũ, chưa có đồ đá mài. Dựa vào nghiên cứu tổng thể các di vật khảo cổ, màu sắc, cấu tạo trầm tích và mức độ hóa thạch, các nhà khảo cổ cho rằng Ngườm Bốc là một di tích cư trú của người nguyên thủy sống ở vào giai đoạn đầu của thời kỳ toàn Tân cách ngày nay khoảng 10.000 năm, tương đương với giai đoạn văn hóa Hòa Bình sớm.
Hành trình khám phá hang Ngườm Bốc không chỉ là chuyến trở về quá khứ để nhìn thấy những dấu vết của người tiền sử, mà còn là câu chuyện về sự thích nghi và sáng tạo của nhóm cư dân cổ trước thiên nhiên. Những hiện vật, di tích nơi đây góp phần làm rõ hơn về cuộc sống – sinh hoạt, chế tạo công cụ và nguồn thức ăn – của những người tiền sử trong giai đoạn sơ kỳ Đá mới.

Đây chính là minh chứng sống động về quá trình tiến hóa của nhân loại, trong đó tự nhiên và con người gắn kết mật thiết qua hàng nghìn năm. Khám phá Hang Ngườm Bốc không chỉ là hành trình tìm hiểu lịch sử gắn với sự kiện địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và chỉ đạo tổng kết chiến dịch Biên giới năm 1950, về lịch sử địa chất với dấu vết của thềm và dòng chảy cổ cách đây 360-270 triệu năm, mà còn là dịp để chúng ta trân trọng giá trị của di sản văn hóa cổ xưa, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của du lịch và bảo tồn di tích trong tương lai.