Hấp dẫn bún khô ngũ sắc
- Thứ năm - 08/02/2024 20:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bún là món ăn quen thuộc của người Cao Bằng, đặc biệt, trong những dịp lễ, Tết, nhà nào cũng có món bún. Theo quan niệm của người Tày năm màu của món ăn là biểu tượng của ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Bún khô ngũ sắc của bà con nơi đây có màu sắc đẹp, giàu tính thẩm mỹ nhưng điều đáng quý là để tạo màu cho sợi bún, người dân sử dụng màu hoàn toàn từ thiên nhiên, cây cỏ. Khi ăn cảm nhận rõ sự thanh mát từ lá cây rừng hòa quyện cùng hương thơm của gạo vùng cao khiến bún khô ngũ sắc của Cao Bằng không lẫn bất cứ nơi đâu.
Để có sợi bún ngon, mềm, dẻo, cơ sở đặc biệt chú trọng nguyên liệu làm bún. Được biết, gạo để làm bún phải là gạo bao thai được trồng tại địa phương và được lựa chọn kỹ. Ngoài bún trắng truyền thống, cơ sở còn sử dụng một số nguyên liệu tự nhiên có màu đặc trưng như: gạo lứt đỏ, lá cẩm, gấc hoa đậu biếc màu xanh trời, khoai lang tím, lá nếp để tạo nên những màu sắc và mùi thơm khác nhau cho sản phẩm. Những nguyên liệu mang màu sắc tự nhiên sẽ được trộn với bột gạo, cho vào máy ép để tạo nên sợi bún. Riêng bún ngô, phải chọn ngô tẻ giống địa phương, hạt đều, chắc để khi làm bún vị thơm, màu vàng đẹp.
Phơi bún là công đoạn "đẹp mắt" nhất, du khách thường chọn thời điểm này đến tham quan và chụp ảnh. Bún phơi khoảng 3 - 5 ngày sẽ khô và chuyển sang công đoạn đóng gói, phân phối sản phẩm. Bún ngũ sắc được phơi khô, nhưng đặc biệt phải tránh nắng gắt, tránh nhiều gió, vì nếu không bún sẽ giòn và dễ vụn.
Bún khô ngũ sắc Cao Bằng nổi tiếng vì có hương vị thơm ngon đặc biệt và giá trị dinh dưỡng cao, sau khi đưa ra thị trường đã tạo được sức hút riêng với nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành trong cả nước vì hương vị độc đáo, màu sắc bắt mắt. Từng cọng bún được chế biến từ những hạt gạo đậm đặc chất dinh dưỡng sẽ là món ăn hấp dẫn cho mỗi thực khách. Nếu có dịp đến với Cao Bằng, quý vị đừng bỏ qua món đặc sản đầy tinh tế này!