Công viên địa chất Cao Bằng

http://caobanggeopark.com


Hội nghị Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á Thái Bình Dương lần thứ 6 (APGN) tại CVĐC Toàn cầu UNESCO Rinjani-Lombok, Indonesia

Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á Thái Bình Dương lần thứ 6 (APGN)

Hội nghị chuyên đề Mạng lưới Công viên địa chất châu Á Thái Bình Dương lần thứ 6 (APGN) được tổ chức từ ngày 03-6/9/2019 tại CVĐC toàn cầu UNESCO Rinjani-Lombok, Indonesia. Chủ đề chính của Hội nghị năm nay hướng tới thúc đẩy phát triển cộng đồng và giảm thiểu rủi ro thiên tai; Hội nghị được chia làm 5 phiên chuyên đề chính: 1) Thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương để hướng tới phát triển bền vững; 2) Tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong giảm thiểu và phục hồi rủi ro thiên tai; 3) Phổ biến kiến thức khoa học cho cộng đồng dân cư; 4) Giới thiệu về CVĐC tiềm năng; 5) Hoạt động Mạng lưới của các CVĐC có giá trị về cảnh quan Karst và núi lửa. Các chủ đề này đã được cụ thể hóa thành 150 bài tham luận trình bày và 63 bài giới thiệu tại Hội nghị.
Ảnh 1

                                                              Toàn cảnh Lễ Khai Mạc của Hội nghị
 

Hội nghị đã thu hút hơn 800 đại biểu là các nhà địa chất, đại diện của các CVĐC từ 30 quốc gia trong khu vực Châu Á TBD. Hội nghị lần này là một cơ hội để các nhà khoa học và các CVĐC trao đổi các vấn đề về phát huy giá trị của CVĐC toàn cầu và công tác quản lý CVĐC trong khu vực Châu Á TBD.

Bên cạnh các bài thuyết trình, tham luận và trao đổi kinh nghiệm, đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã được trải nghiệm thực địa các điểm di sản địa chất, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa độc đáo và đa dạng của CVĐC toàn cầu Rinjiani Lombok. Nội dung trải nghiệm thực địa được chia làm 3 tuyến: Tuyến 1 tập trung vào văn hóa và phong cảnh núi lửa để giới thiệu cho du khách về giá trị văn hóa được hình thành dưới sự tác động của cảnh quan núi lửa và ngọn núi Mount Rinjani; Tuyến 2 giới thiệu cho du khách về cách thức mà người dân tộc thiểu số Sasak sinh sống hài hòa với thiên nhiên và cách thức người dân nơi đây ứng phó với rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu; Tuyến 3 cho du khách cơ hội khám phá thung lũng Sembalun thông qua tuyến đường đi bộ tới đỉnh Lesser Sunda của ngọn núi Rinjani.
Ảnh 8
                                                                Một số hoạt động bên lề của Hội nghị
 

 Tại lễ bế mạc, Ban tổ chức đã thông qua báo cáo về Phát triển cộng đồng và giảm thiểu rủi ro thiên tai với mục đích để tăng cường hơn hiệu quả hoạt động của các CVĐC toàn cầu UNESCO trong việc thúc đẩy phát triển cộng đồng và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Bản báo cáo này bao gồm 10 cam kết, trong đó bao gồm nội dung về thúc đẩy sự tham gia của các đối tác CVĐC hướng tới phát triển bền vững, xây dựng các hoạt động mang tính chất đột phá và sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức của người dân về giảm thiểu rủi ro thiên tai, qua đó góp phần thực hiện Chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc về 17 mục tiêu phát triển bền vững năm 2030, trong đó đặc biệt tập trung vào nâng cao nhận thức cộng đồng về kiến thức khoa học trong vùng CVĐC, thúc đẩy du lịch CVĐC như là điểm đến du lịch bền vững, khuyến khích ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường và cơ sở hạ tầng để bảo vệ các điểm di sản trong vùng CVĐC,…Và kết thúc Hội nghị, Ban tổ chức cũng đã thông báo về đơn vị và địa điểm được Mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực Châu Á TBD lựa chọn để tổ chức Hội nghị Mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực Châu Á TBD lần thứ 7 năm 2021 là CVĐC toàn cầu UNESCO Satun của Thái Lan.
P.V

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây