Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 - Hội nghị của tình đoàn kết, chia sẻ và hợp tác
- Thứ ba - 01/10/2024 16:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hội nghị APGN lần thứ 8 được tổ chức quy mô cấp quốc tế với khoảng 800 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Đây là dịp để các thành viên của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, các mô hình hiệu quả, giải pháp hữu ích trong công tác xây dựng và phát triên danh hiệu CVĐC theo các tiêu chí của UNESCO; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản để phát triển du lịch bền vững.
Trong khuôn khổ Hội nghị APGN lần thứ 8 diễn ra các cuộc họp của Hội đồng CVĐC toàn cầu để đánh giá các hồ sơ thẩm định và tái thẩm định, cuộc họp của Ban điều phối và Ban cố vấn của Mạng lưới CVĐC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; tổ chức 06 phiên hội thảo chuyên đề khoa học với hơn 160 bài tham luận mang đến nhiều thông tin, tư liệu quý, kinh nghiệm xoay quanh các chủ đề đa dạng từ giá trị di sản địa chất, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tới các hoạt động của CVĐC toàn cầu gắn với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc theo chương trình nghị sự 2030; các hoạt động giáo dục về CVĐC, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; nhiều Biên bản hợp tác giữa các CVĐC toàn cầu trong khu vực cũng đã được ký kết.
Một trong những điểm nhấn đặc biệt trong khuôn khổ Hội nghị APGN lần thứ 8 là Chương trình Kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới CVĐC toàn cầu. Chương trình vô cùng ý nghĩa này đã mang đến cho các thành viên Mạng lưới những khoảnh khắc tự hào về hoạt động của Mạng lưới sau 20 năm, qua đó tăng thêm sự gắn kết, hợp tác giữa các thành viên vì mục tiêu phát triển bền vững của nhân loại.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được thưởng thức những chương trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều tiết mục biểu diễn các Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện Nhân loại của Việt Nam được UNESCO ghi danh và các tiết mục truyền thống của các dân tộc sinh sống trong vùng CVĐC. Đồng thời, nhiều hoạt động hấp dẫn, ý nghĩa được diễn ra như: Trình diễn thời trang, “Cuộc thi ảnh đẹp về Hội nghị APGN lần thứ 8”, “Cuộc thi tìm hiểu về Danh hiệu CVĐC toàn cầu, Mạng lưới Châu Á - Thái Bình Dương và Mạng lưới CVĐC Việt Nam”, các hoạt động trải nghiệm, khám phá phố đi bộ Kim Đồng; Không gian giới thiệu các CVĐC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Giới thiệu “Câu lạc bộ cùng em khám phá CVĐC” và sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị APGN lần thứ 8, các đại biểu đã có chuyến đi khảo sát thực địa 2 tuyến du lịch trải nghiệm trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng: tuyến phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” (huyện Hà Quảng) và tuyến phía Đông “Trải nghiệm văn hoá bản địa ở xứ sở thần tiên” (huyện Quảng Hoà, Trùng Khánh). Tại đây, các đại biểu được giới thiệu về lịch sử của làng nghề, các công đoạn thủ công làm ra một sản phẩm đặc sắc từ những nguyên liệu thiên nhiên và được hòa mình vào cuộc sống thanh bình với những ngôi làng cổ, trải nghiệm những nét văn hóa bản địa độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số: Tày, Nùng, Mông, Dao... trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng.
Hội nghị APGN lần thứ 8 diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều quyết định quan trọng của Mạng lưới CVĐC toàn cầu, mạng lưới CVĐC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; tìm ra nhiều giải pháp, kinh nghiệm hữu ích trong công tác xây dựng và phát triển danh hiệu CVĐC theo các tiêu chí của UNESCO, góp phần giải quyết những thách thức toàn cầu hiện nay, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản và tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch bền vững.
Kết quả của Hội nghị APGN lần thứ 8 thể hiện tinh thần trách nhiệm của các thành viên của mạng lưới CVĐC toàn cầu và sự quyết tâm, nỗ lực của tỉnh Cao Bằng trong việc gìn giữ và khai thác bền vững các giá trị di sản trong vùng CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng. Hội nghị là dịp để tỉnh Cao Bằng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng và phát huy giá trị mô hình CVĐC với các nước trên thế giới; cơ hội xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Cao Bằng, tiềm năng du lịch, miền đất và con người Cao Bằng tới đại biểu trong nước, đặc biệt là đại biểu quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, khát vọng tạo thương hiệu du lịch Cao Bằng, cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, các Chương trình hành động của tỉnh, mở ra cho du lịch Cao Bằng nhiều cơ hội mới, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đột phá cho ngành du lịch của địa phương, từng bước vững chắc hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.