Khảo sát và làm việc với Nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn
- Thứ bảy - 03/06/2023 04:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đoàn đã đến khảo sát 4 tuyến du lịch và 46 điểm tham quan Công viên địa chất tại một số địa điểm cụ thể như: quốc lộ 1A khu vực cầu Bến Lường, huyện Hữu Lũng; núi lửa lục địa Quan Sơn (huyện Chi Lăng); nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng (huyện Chi Lăng); điểm hóa thạch cúc đá ga Bắc Thủy (huyện Chi Lăng); Cửa khẩu Hữu Nghị (huyện Cao Lộc); Cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình)… Chuyến khảo sát nhằm rà soát, xác định cụ thể vị trí, quỹ đất, tình trạng sử dụng đất để xây dựng lắp đặt biển quảng cáo và tình trạng sử dụng một số điểm tham quan trên 4 tuyến du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn dựa theo tiêu chí, khuyến nghị của Nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn. Qua đợt khảo sát Nhóm chuyên gia đã đề xuất trước mắt ưu tiên lựa chọn xác định vị trí xây dựng lắp đặt các pa nô, biển quảng cáo tấm lớn trước.
Về kích thước, các pa nô, biển quảng cáo này dự kiến có diện tích thấp hơn 50m2 (6m x 8m với pa nô tấm lớn, 4m x 6m với biển quảng cáo), hoặc tùy điều kiện từng điểm để tính toán sử dụng kích thước phù hợp. Về chất liệu và hình thức dự kiến xây dựng lắp đặt sẽ dùng loại biển cột khung sắt lót tôn, in pa nô bạt. Đặc biệt nên ưu tiên sử dụng tích hợp, lồng ghép nội dung với các biển ranh giới tại các huyện đang sử dụng hiện nay. Hệ thống bảng biển thuyết minh các điểm trên 04 tuyến du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn cần được xây dựng đồng bộ về kích thước, cỡ chữ, màu sắc, theo tuyến, hình ảnh, nội dung, tên điểm, tuyến chuẩn xác, ấn tượng.
Kết thúc đợt khảo sát Ban Quản lý Công viên địa chất tiếp thu, tổng hợp các ý kiến đóng góp và làm việc chặt chẽ với Nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn, các đơn vị liên quan để đảm bảo hệ thống bảng biển thuyết minh vùng Công viên địa chất Lạng Sơn đáp ứng theo tiêu chí của UNESCO và các quy định về báo hiệu đường bộ của Việt Nam.