Khảo sát xây dựng tuyến du lịch kết nối giữa CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và CVĐC toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn
- Thứ năm - 28/04/2022 09:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kết quả chuyến khảo sát của hai BQL CVĐC sẽ được gửi đến chuyên gia GGN Guy Martini và Chuyên gia viện địa chất và khoáng sản Việt Nam cho ý kiến và làm cơ sở để mời các Chuyên gia đến khảo sát chi tiết từ đó đưa ra lựa chọn các điểm di sản độc đáo, đặc sắc xây dựng một con đường trải nghiệm thu hút khách du lịch kết nối giữa hai CVĐC.
Qua khảo sát bước đầu, đoàn công tác đánh giá trên cung đường dự kiến có nhiều điểm di sản tiềm năng khai thác lớn, với giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan, địa chất, địa mạo đặc sắc của hai tỉnh Cao Bằng và Hà Giang. Trong đó, tại địa phận Cao Bằng nổi bật với Cụm di sản văn hóa, lịch sử Thị trấn Bảo Lạc: Đền Quan Thánh Đế, Dinh thự họ Nông, đồng thời là điểm dừng chân dịch vụ và trải nghiệm hấp dẫn với lễ hội Lồng Tồng tổ chức vào mùng 9 tháng giêng âm lịch hàng năm, Chợ tình Phong Lưu được tổ chức vào 15/8 âm lịch hàng năm, chợ đêm thị trấn Bảo Lạc tổ chức vào tối thứ 7 hàng tuần… Ngoài ra trên cung đường có có các điểm giá trị cao về lịch sử, văn hoá và cảnh quan như khu di tích Đồn Đồng Mu; di tích lịch sử Trông Nhìa Hậu, cảnh quan Khuổi Vin, làng tày Tổng Ác…
Nổi bật nhất là điểm dừng chân quan sát toàn cảnh đèo Khau Cốc Chà có giá trị lớn về mặt cảnh quan với 14 khúc cua, 15 tầng dốc dựng đứng, tạo cho du khách ấn tượng về sự hùng vỹ và đem lại nhiều cảm xúc khi chinh phục.
Tại địa phận tỉnh Hà Giang, với cảnh quan hùng vỹ, hoang sơ, cảnh sắc ấn tượng cùng cuộc sống mộc mạc của đồng bào dân tộc, thực sự ấn tượng với du khách. Qua các điểm được lựa chọn để khảo sát như: Ngắm toàn cảnh sông nhiệm và hẻm vực sông Nhiệm với địa hình xen lẫn giữa núi đá vôi và núi đất dạng mâm xôi; Điểm dừng chân ngắm toàn cảnh thung lũng trung tâm xã Niêm Tòng và khu vực ranh giới giữa 2 tỉnh Hà Giang – Cao Bằng; Hoang mạc đá Lũng Pù là dạng địa chất độc đáo của cao nguyên đá Đồng Văn, gồm những kiểu núi dạng kim tự tháp hoặc hình nón bên trên nhọn hoặc hơi khum với sườn thẳng tắp một góc chừng 45 độ. Ngoài ra còn điểm di sản độc đáo cây thiêng (Cốc Pại) và hóa thạch huệ biển…
Kết thúc chuyến khảo sát, qua đánh giá sơ bộ Ban quản lý hai CVĐC nhận định đây là cung đường hấp dẫn và thu hút khách du lịch sau khi được triển khai, từ đó sẽ tạo thêm nhiều lựa chọn cho du khách, đồng thời góp phần phát triển sinh kế cho người dân địa phương trên dọc tuyến. Đồng thời việc liên kết sản phẩm du lịch địa chất giữa hai tỉnh Hà Giang và Cao Bằng sẽ phát huy giá trị mô hình CVĐC toàn cầu UNESCO, thúc đẩy phát triển liên kết sản phẩm du lịch, liên kết vùng giữa hai tỉnh Hà Giang và Cao Bằng.