Kinh đô triều Mạc qua những dấu tích xưa
- Thứ tư - 03/08/2022 20:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kinh đô nhà Mạc xưa hay còn gọi là Thành Nà Lữ, tại xã Hoàng Tung, huyện Hoà An, nằm cách trung tâm Thành phố Cao Bằng khoảng 10km. Thành Nà Lữ nằm trong khu vực có đặc điểm địa chất bồn trũng kiến tạo Hoà An, được hình thành do cơ chế tách giữa của đứt gãy Cao Bằng – Tiên Yên. Do ảnh hưởng của hệ thống đứt gãy đã tạo ra một khung cảnh tuyệt đẹp với con sông Giang và cánh đồng bằng phẳng màu mỡ. Trên tuyến “Hành trình về nguồn cội” của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng tìm hiểu những dấu tích cổ xưa để khám phá về vương triều Mạc thời kỳ đóng đô ở Cao Bình (Cao Bằng) từ năm 1592-1677, đó sẽ là một trải nghiệm hấp dẫn.
Năm 1952 nhà Mạc bị quân Lê – Trịnh đánh bại buộc phải rời bỏ Kinh thành Thăng Long chạy lên Cao Bằng. Từ lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Cao Bằng tiểu địa, sổ thế khả dung” (đất Cao Bằng tuy nhỏ bé nhưng dung thân được vài đời), đã mở ra một vương triều nhà Mạc hưng thịnh ở Cao Bằng, tồn tại hơn 80 năm với những ảnh hưởng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội.
Điểm đến đầu tiên trong quần thể dấu tích nhà Mạc tại thành Nà Lữ đó là Đền Vua Lê, không chỉ là nơi vãn cảnh, cầu bình an mà còn là minh chứng cho những giá trị văn hoá, lịch sử. Đền Vua Lê xưa kia là cung điện cũ của nhà Mạc, nằm trên gò long trong quần thể kiến trúc thành Nà Lữ. Thành được xây bằng gạch, hình chữ nhật, trong thành có 4 gò đất nổi lên, mỗi gò được đặt tên theo tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Ngoài gò Long là nơi xây cung điện, gò nổi cao nhất là gò Ly, gò lớn nhất là gò Quy ở phía bắc thành. Gò Phượng ở chính giữa, chạy dọc đường thành phía đông, ở giữa thành còn có ao sen và ruộng bàn cờ để vua giải trí những ngày thư thái.
Đến năm 1677, quan quân nhà Lê từ kinh thành Thăng Long đem quân lên đánh nhà Mạc ở Cao Bình, nhà Mạc thất thủ phải bỏ thành Nà lữ về cố thủ ở thành Phục Hoà (nay thuộc thị trấn Hoà Thuận, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng). Năm 1682 đốc trấn Cao Bình là Lê Thì Hải cho tu sửa cung điện thành đền thờ Vua Lê.
Một điểm đến không thể bỏ qua khi khám phá về nhà Mạc, đó là quần thể di tích chùa Đà Quận, ngôi chùa được xây dựng trên khu đất nhà Mạc phân phong cho Đà Quận Mạc Ngọc Liễn là nhân vật khai quốc công thần của nhà Mạc, trong khuôn viên quần thể di tích còn có Đền Quan Triều thờ danh tướng Dương Tự Minh, quê ở xã Quan Triều (Phú Lương – Thái Nguyên) là thủ trưởng dân tộc Tày có công trong việc bảo vệ biên cương phía bắc thời nhà Lý. Trong không gian thanh tịnh, sự linh thiêng của Đền, Chùa và cổ kính của cây đa cổ thụ, còn có đôi chuông cổ bảo vật quốc gia, niên đại năm 1611 thời nhà Mạc, trên chuông chùa có bài minh ca ngợi vẻ đẹp châu Thạch Lâm, đặc biệt trong dân gian hiện nay còn lưu truyền câu chuyện chuông thần đánh nhau với mãng xà trên dòng sông Bằng Giang để bảo vệ nhân dân. Lễ hội chùa diễn ra vào mùng 8 và 9 tháng giêng, mời du khách đến trảy hội, vui xuân.
Địa điểm giếng cổ Bó Phủ, là nơi lấy nước sinh hoạt hàng ngày của các cung tần, mỹ nữ và học trò trường quốc học Bản Thảnh, giếng đã tồn tại trên 300 năm, với dòng nước trong veo và mát lạnh. Đây là nơi nhân dân vẫn đang sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Một địa điểm linh thiêng để tưởng nhớ đến Hoàng hậu của vua Mạc Kính Vũ đó là đền thờ Hoàng hậu Mạc ở phố Cao Bình, một người phụ nữ trung kiên đã gieo mình xuống sông để bảo toàn danh tiết, trung hậu, thuỷ chung, khi quân nhà Lê chiếm thành Nà Lữ truy đuổi quan, quân và thân nhân nhà Mạc.
Ngoài ra trong khu vực kinh đô xưa của nhà Mạc, còn rất nhiều những dấu tích để du khách quan tâm và tìm hiểu như: địa điểm trường Quốc học Bản Thảnh, chợ háng shén, ruộng bàn cờ, vườn đạn đá…