Công viên địa chất Cao Bằng

http://caobanggeopark.com


Lễ đón nhận danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng

              Tối 24/11, tỉnh Cao Bằng đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; công bố Di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An là Di tích Quốc gia đặc biệt; chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”.
Lễ đón nhận danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng

              Dự buổi Lễ có đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tướng lĩnh Quân đội, Công an là người Cao Bằng; đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESSCO); lãnh đạo và doanh nghiệp các TP Sùng Tả, Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc); đại diện lãnh đạo tỉnh và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh: Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn.

               Về phía tỉnh Cao Bằng, tham dự, có các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đàm Văn Eng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng các lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và hàng nghìn người dân tỉnh Cao Bằng.

Ngày 12-4-2018, tại Pa-ri (Pháp), cuộc họp Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 204 đã thông qua Nghị quyết công nhận CVĐC Non nước Cao Bằng là CVĐC toàn cầu UNESCO. Như vậy, sau cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang, Cao Bằng là địa phương thứ hai của Việt Nam và là CVĐC toàn cầu thứ 8 của Đông Nam Á được đón nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO. Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, đồng thời cũng đặt ra những nhiệm vụ hết sức quan trọng đó là tiếp tục xây dựng và phát triển CVĐC đáp ứng các tiêu chí, định hướng của UNESCO về một CVĐC toàn cầu gắn với phát triển du lịch bền vững.

              Về di tích lịch sử Địa điểm chiến dịch Biên giới năm 1950, đây là chiến dịch tiến công lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cũng là chiến dịch đầu tiên và duy nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo, động viên quân và dân chiến đấu. Chiến thắng Biên giới năm 1950 là bước ngoặt quan trọng, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Với vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử quan trọng của di tích, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của quân và dân Cao Bằng cũng như quân dân cả nước trong việc bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của di tích, tỉnh Cao Bằng đã lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950, huyện Thạch An là di tích Quốc gia đặc biệt.

                  Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ X do Cao Bằng đăng cai tổ chức với sự tham gia của 6 tỉnh trong vùng Việt Bắc đã diễn ra các hoạt động: Thi đấu các môn thể thao dân tộc, triển lãm ảnh miền đất và con người Việt Bắc, trưng bày gian hàng ẩm thực và các sản phẩm du lịch, thi văn nghệ dân gian và trình diễn trang phục dân tộc của 6 tỉnh Việt Bắc, qua đó, tạo ra những cơ hội, môi trường thuận lợi cho liên kết, hợp tác phát triển du lịch vừa bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của các tỉnh Việt Bắc.

Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã vinh dự được UNESCO và Nhà nước công nhận là CVĐC Toàn cầu Non nước Cao Bằng và Di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An, đồng thời nhấn mạnh: Việc UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng có ý nghĩa rất quan trọng vì chúng ta có thêm một thương hiệu quốc gia về thắng cảnh và địa chất ở tầm quốc tế. Nếu chúng ta biết cách tương tác giữa di sản với những yếu tố đặc sắc khác của Cao Bằng, cũng như kết nối với các di sản khác của vùng và các trung tâm du lịch lớn thì di sản của Cao Bằng sẽ là nguồn lực rất quan trọng cho phát triển bền vững. Mô hình du lịch của Cao Bằng phải là sự cộng hưởng các giá trị văn hóa, lịch sử, lòng yêu nước, cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực…, để tạo ra ngành du lịch đa dạng, phong phú, có bản sắc, Cao Bằng cần phát triển thương hiệu du lịch miền núi cho Việt Nam. Vì vậy, cần có những cách làm sáng tạo biến việc bảo tồn, phát huy di sản thành quốc kế dân sinh, giúp cải thiện trực tiếp đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đồng thời, tạo động lực để bảo vệ môi trường sinh thái-tự nhiên, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử, tài nguyên thiên nhiên mà cha ông đã để lại.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta tự hào trước đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị độc đáo, đặc sắc, nổi bật về địa chất, đa dạng sinh học, di sản văn hóa, lịch sử, cảnh quan của Non nước Cao Bằng, nơi lưu giữ những dấu tích của biến động Trái đất 500 triệu năm qua. Bên cạnh cảnh quan đẹp, hùng vĩ là sự đa dạng, phong phú về bản sắc của cộng đồng các dân tộc vùng Đông Bắc. Danh hiệu UNESCO dành cho Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng là vinh dự không chỉ của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Cao Bằng mà của cả nước. Đến nay, nước ta đã có 38 danh hiệu UNESCO trên các lĩnh vực văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, di sản ký ức, khoa học.

“Mỗi lần Việt Nam được vinh danh, niềm tự hào lại trào dâng, khi những giá trị của đất nước, dân tộc được ghi nhận ở tầm quốc tế và đóng góp cho kho tàng giá trị của nhân loại. Các danh hiệu này đã, đang và sẽ góp phần nâng cao hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế”, Thủ tướng phát biểu: Chúng ta càng xúc động hơn khi Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng còn được coi là “cái nôi” của cách mạng Việt Nam, nơi khởi nguồn sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta chống các thế lực ngoại xâm và phản động, giành độc lập dân tộc và tự do cho Tổ quốc.

               Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, Chính quyền cùng toàn thể nhân dân các địa phương trong vùng Việt Bắc tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, tập trung khai thác, phát huy tốt mọi tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng một cách toàn diện.

Sau nghi thức trao danh hiệu CVĐC Toàn cầu Non nước Cao Bằng và Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An là Chương trình nghệ thuật có chủ đề “Về miền non nước Cao Bằng” gồm 3 chương:          Chương 1- Huyền thoại miền non nước, nhằm giới thiệu mảnh đất, con người, truyền thống lịch sử cách mạng cùng những di sản văn hóa, thiên nhiên của Cao Bằng;      Chương 2- Toả sáng tinh hoa di sản Việt Bắc, giới thiệu đất và người cùng với truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa của 6 tỉnh Việt Bắc: Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn;

             Chương 3- Cao Bằng hướng tới tương lai, do các ca sỹ chuyên nghiệp của Trung ương và Đoàn nghệ thuật các tỉnh Việt Bắc cùng diễn viên quần chúng tỉnh Cao Bằng biểu diễn.

             Kết thúc buổi lễ là màn bắn hoa chào mừng Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; Công bố Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An là Di tích Quốc gia đặc biệt; Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ X năm 2018.

                                                                                                        

 

 

Nguồn tin:     Dương Liễu-Kim Cúc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây