Phát triển du lịch bền vững từ giá trị văn hóa bản địa trong vùng Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng
- Thứ sáu - 11/07/2025 15:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này

Với giá trị địa chất độc đáo, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng cùng bề dày văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, CVĐC Non nước Cao Bằng sở hữu tiềm năng lớn để phát triển du lịch theo hướng bền vững. Những năm gần đây, với sự đồng hành của Ban Quản lý CVĐC, chính quyền và cộng đồng dân cư, nhiều mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn thiên nhiên và văn hóa truyền thống đã được xây dựng và nhân rộng. Qua đó, nhiều sản phẩm du lịch mang chiều sâu văn hóa, gắn với bản sắc riêng của từng cộng đồng, làng bản trong vùng CVĐC đã được hình thành và từng bước đa dạng hóa về hình thức, nội dung lẫn chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu trải nghiệm của du khách trong nước và quốc tế.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong việc gắn kết phát triển du lịch bền vững với giá trị văn hóa là quá trình khôi phục, gìn giữ và phát huy các nghề thủ công truyền thống gắn với hoạt động du lịch. Theo đó, các sản phẩm thủ công không chỉ được nâng cao về chất lượng mà còn được cải tiến mẫu mã, bao bì nhằm đáp ứng thị hiếu và xu hướng hiện đại. Đặc biệt, mỗi sản phẩm đều mang trong mình chiều sâu văn hóa, được “thổi hồn” qua những câu chuyện dân gian, tín ngưỡng bản địa hay truyền thuyết gắn liền với đời sống cộng đồng. Từ đó, hình thành nên các dòng quà tặng du lịch đặc trưng, đậm đà bản sắc, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa địa phương, mở ra cơ hội nâng cao thu nhập, phát triển sinh kế bền vững cho người dân.
Song song đó, các hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống ngày càng được tổ chức bài bản, phong phú và hấp dẫn hơn. Không chỉ đơn thuần là điểm lưu trú, các mô hình du lịch cộng đồng đang dần trở thành không gian văn hóa sống động, nơi du khách được trải nghiệm chân thực đời sống thường nhật, phong tục tập quán và nghề truyền thống của người dân bản địa. Trên hành trình khám phá miền non nước, du khách không những được trực tiếp cùng người dân tham gia vào các công việc thường nhật như: dệt vải thổ cẩm, nấu rượu ngô, làm bánh truyền thống, chơi nhạc cụ dân tộc… mà còn có cơ hội thưởng thức ẩm thực bản địa và đắm mình trong những làn điệu Then, Sli, Lượn mượt mà, sâu lắng.

Cùng với đó, các cộng đồng làm du lịch ngày càng quan tâm hơn đến việc gìn giữ và nâng cấp không gian theo hướng thân thiện với môi trường và hòa hợp với cảnh quan tự nhiên. Nhiều hộ gia đình tham gia làm du lịch đã được hỗ trợ cải tạo nhà ở, homestay theo kiến trúc truyền thống của dân tộc mình, vừa đảm bảo tiện nghi cho du khách, vừa giữ gìn được nét mộc mạc, bản sắc riêng có. Các mô hình tổ chức quản lý tại địa phương như: hợp tác xã, tổ du lịch cộng đồng, ban điều phối và giám sát phát triển du lịch… cũng từng bước được xây dựng và vận hành hiệu quả. Những mô hình này giúp phân công nhiệm vụ rõ ràng, chia sẻ lợi ích một cách minh bạch và tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình bảo tồn văn hoá và phát triển du lịch, tạo tiền đề cho một hệ sinh thái du lịch cộng đồng thực chất, bền vững. Với sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch và cải thiện sinh kế, một số điểm du lịch cộng đồng, làng nghề trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng đã phát huy hiệu quả tiềm năng, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, tiêu biểu như: làng giấy bản Dìa Trên, làng hương Phja Thắp (xã Quảng Uyên), làng đá Khuổi Ky (xã Đàm Thủy), làng du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao (xã Thành Công), xóm Khuổi Khon (xã Hưng Đạo)...
Trong khuôn khổ kỳ tái thẩm định danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng lần 2, mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương đã nhận được sự đánh giá cao từ các chuyên gia quốc tế. Bà Chan Yu Nam, Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Hồng Kông (Trung Quốc), thành viên đoàn chuyên gia UNESCO chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với vẻ đẹp thiên nhiên đặc sắc, không gian văn hóa đậm đà và sự đón tiếp nồng hậu của người dân địa phương. Mỗi trải nghiệm đều thể hiện rõ niềm tự hào và ý thức gìn giữ văn hóa của cộng đồng. Đây chính là yếu tố then chốt góp phần xây dựng một nền du lịch phát triển bền vững.

Nhờ nỗ lực triển khai các giải pháp phát triển du lịch bền vững, toàn diện, trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch Cao Bằng đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Tổng lượt khách du lịch đến tỉnh ước đạt 1.520.063 lượt, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 60,8% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 57.922 lượt (tăng 176,8%), khách nội địa ước đạt 1.462.141 lượt (tăng 44,3%). Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 1.543 tỷ đồng, tăng 95,8% so với cùng kỳ, tương đương 77,1% kế hoạch năm; công suất sử dụng phòng đạt ước khoảng 55%. Những con số này cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ và sức hấp dẫn ngày càng gia tăng của du lịch Cao Bằng, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với giá trị bản địa.
Để tiếp tục thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng bền vững, hấp dẫn và giàu bản sắc, Ban Quản lý CVĐC Non Nước Cao Bằng đã và đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, trọng tâm là nâng cao năng lực cho đội ngũ làm du lịch, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa; đầu tư cải thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch; đồng thời chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống thông qua các hoạt động giáo dục cộng đồng, tăng cường kết nối thế hệ trẻ với di sản văn hóa. Song song đó, công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch cũng được đẩy mạnh trên các nền tảng số, hướng tới mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút nguồn lực xã hội hóa cho phát triển du lịch.

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa không chỉ góp phần nâng cao đời sống người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, mà còn khơi dậy niềm tự hào và ý thức gìn giữ di sản trong cộng đồng. Mỗi làng bản, mỗi nghề thủ công truyền thống, mỗi câu chuyện văn hóa đều là một mảnh ghép sinh động, góp phần tạo nên bức tranh du lịch Cao Bằng đa sắc màu. Từ đó, hình thành nền tảng vững chắc để xây dựng hình ảnh du lịch vùng CVĐC Non nước Cao Bằng theo hướng chuyên nghiệp, bền vững và đậm đà bản sắc văn hóa bản địa.