Sắc màu những loại hình văn nghệ dân gian trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng
- Thứ ba - 31/12/2024 09:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ, nhiều giá trị đa dạng sinh học độc đáo và đặc biệt là các giá trị di sản địa chất, Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng còn là nơi hội tụ của nhiều di tích lịch sử, khảo cổ học nổi tiếng, nhiều truyền thống văn hóa dân tộc đa dạng, đậm đà bản sắc...
Mỗi dân tộc, mỗi địa phương có những loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng riêng... Về sân khấu, dân tộc Tày, Nùng có khá nhiều hình thức diễn xướng dân gian, trình diễn trong lề lối hát nghi lễ, hội. Đặc biệt, hát Dá hai là một dạng ca kịch, thuộc loại kịch thần thoại có 3 nhạc công, một trống, một sáo, một nhị có nội dung tư tưởng thẩm mỹ cao. Dân tộc Dao có nghi lễ: lễ cấp sắc, đám ma, cúng Bàn Vương, cúng trẻ ốm, lễ lúa mới... hình thức tổ chức mang tính chất gia đình, dòng họ và chỉ có thầy cúng hoặc người biết chữ Nôm Dao thể hiện. Dân vũ (múa) dân tộc Tày có múa Sluông chầu; dân tộc Nùng có múa quạt, múa khăn; dân tộc Dao có múa chuông, múa trống; dân tộc Mông múa ô, múa khèn; dân tộc Lô Lô có đánh trống đồng và múa lễ ma khô...
Với người Mông, cây khèn giống như bảo vật kết nối trần gian và thế giới tâm linh, đồng thời cũng là biểu tượng, linh hồn văn hóa dân tộc. Khèn Mông thân quen tựa thắng cố, mèn mén, rượu ngô hay tất cả những gì thân thuộc nhất đã gắn bó với họ từ lúc sinh ra. Trong những buổi chợ phiên, vui xuân trẩy hội, tiếng khèn cất lên rộn rã, vui tươi, tha thiết gọi tình yêu. Chàng trai Mông múa khèn nhịp nhàng, uyển chuyển với từng bước nhún, bước đảo, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, nhảy đưa chân… tạo nên vũ điệu lôi cuốn, đẹp mắt. Khi có đám tang, tiếng khèn trầm buồn, da diết để dẫn đường, chỉ lối và tiễn biệt người mất sang thế giới bên kia.
Giữ một vị thế quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần đồng bào làn điệu Páo dung được coi là phương tiện truyền tải những tâm tư, tình cảm, ước muốn và khát vọng của người Dao. Hát Páo dung lễ nghi tín ngưỡng là các làn điệu cổ, gồm những bài hát được sử dụng trong lễ cấp sắc, lễ cưới, cúng đầy tháng, cúng lên nương, cúng tra hạt… Hình thức hát này mang tính nguyên tắc với những bài hát có sẵn và thường có thêm trống, chiêng, thanh la phụ họa; nội dung cầu mong thần linh che chở, phù hộ cho sức khỏe dồi dào, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Hát Páo dung sinh hoạt gồm: hát ru, hát giao duyên, đối đáp nam nữ, hát than, hát đồng dao… Lối hát dựa vào ứng biến linh hoạt của người hát, tùy theo hoàn cảnh mà mỗi chủ đề lại có những lời hát khác nhau, do đó ca từ thường giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ. Hát Páo dung trong lao động gồm những bài hát ca ngợi tinh thần lao động sản xuất, cảnh đẹp thiên nhiên hay những kinh nghiệm về thời tiết, mùa vụ.
Các loại hình văn nghệ dân gian truyền thống ở Cao Bằng là sự kết tinh những giá trị văn hóa bản địa, đang ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần củng cố, gắn kết cộng đồng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Trên hành trình khám phá Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, du khách được đắm chìm trong những làn điệu dân ca mộc mạc, ngọt ngào, thấm đượm tình người vùng cao. Mỗi khúc hát, điệu múa đều mang dấu ấn của một vùng đất tươi đẹp, mến khách và giàu bản sắc văn hóa.