Xây dựng và khai thác tốt điểm di sản Mắt thần núi (Quảng Hòa)
- Thứ hai - 05/06/2023 10:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mắt thần núi là một điểm di sản nổi bật về giá trị địa chẩt, cảnh quan trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng, và đang ngày càng nhận được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Mắt thần núi đã được Bộ VHTTDL xếp hạng Danh lam thắng cảnh Quốc gia theo QĐ số 1988/QĐ-BVHTTDL ngày 29/6/2021. Tuy nhiên, công tác quản lý và phát huy giá trị điểm di sản Mắt thần núi hiện nay đang gặp phải một số vấn đề cấp bách cần tìm hướng giải quyết như vệ sinh môi trường, hạ tầng giao thông xuống cấp, các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tự phát, quản lý không hiệu quả đã và đang làm ảnh hưởng tới cảnh quan chung như: các hoạt động kinh doanh lều trại, dựng lán trại bán hàng trong các dịp nghỉ lễ, thu vé tham quan tự phát, người dân tự ý mua bán, chuyển nhượng đất không được cấp quyền sử dụng, không qua chính quyền địa phương…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, việc quản lý và khai thác Mắt thần núi một các quy củ, giải quyết được các vấn đề liên quan đến môi trường, cơ sở vật chất, tạo sinh kế cho người dân địa phương là nhiệm vụ cấp thiết. Đề nghị UBND hai huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao đổi các phương án quản lý và phát huy hiệu quả điểm di sản như thành lập Ban quản lý để chỉ đạo các hoạt động bảo vệ và phát huy điểm di sản, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng đề án thu phí tham quan…
Trao đổi tại cuộc họp, bà Chu Thị Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh nhất trí với việc thành lập Ban quản lý danh lam thắng cảnh Quốc gia Mắt thần núi, và đề xuất có thể nghiên cứu phương án thành lập Ban quản lý trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc trực thuộc UBND hai huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh. Bên cạnh đó, bà Chu Thị Vinh cũng chia sẽ những khó khăn trong công tác quản lý điểm di sản Mắt thần núi do công tác quản lý điểm di sản liên quan đến cả hai huyện Quảng Hòa và Trùng Khánh, bãi đỗ xe hiện tại nhỏ, đường vào điểm di sản hẹp, hiện đã xuống cấp, địa hình đường vào Mắt thần núi theo hướng xã Cao Chương dốc, khó xây dựng bãi đỗ xe. Phía UBND huyện Trùng Khánh cũng đề xuất việc phát triển một số loại hình dịch vụ du lịch trong tương lai khi Mắt thần núi được quản lý quy củ.
Ông Nông Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Hòa đồng tình với việc thành lập Ban quản lý danh lam thắng cảnh Quốc gia Mắt thần núi; chỉ đạo UBND xã Quốc Toản tuyên truyền, quán triệt tới người dân địa phương tuân thủ các quy định liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không thực hiện các hoạt động dịch vụ tự phát như dựng lều trại bán hàng trong khu vực Mắt thần núi, tự ý thu phí tham quan của du khách…
Sau khi trao đổi, thảo luận, ông Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kết luận một số nhiệm vụ cần triển khai thực hiện như sau: (1) thành lập Ban quản lý Danh lam thắng cảnh Quốc gia Mắt thần núi theo một trong hai phương án: Ban quản lý trực thuộc UBND huyện Trùng Khánh, và có thể nghiên cứu vận dụng theo quy định của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 19/5/2020 của Chính phủ về Quy định quản lý mô hình Khu du lịch Quốc gia và Quyết định số 2795/2008/QĐ-UBND ngày 8/12/2008 của UBND tỉnh Cao Bằng Ban hành Quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, tại Điều 5: Thành lập các tổ chức quản lý, UBDN huyện Trùng Khánh xây dựng quy chế phối hợp với UBND huyện Quảng Hòa trong hoạt động của Ban quản lý hoặc Ban quản lý trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; (2) xây dựng bãi đỗ xe mới theo hướng đường vào phía Bản Danh, xã Quốc Toản (huyện Quảng Hòa) và hướng từ xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh; (3) UBND hai huyện Quảng Hoà, Trùng Khánh trao đổi với người dân địa phương việc thành lập Hợp tác xã cung cấp các dịch vụ như lưu trú, vận chuyển du khách, ăn uống, cắm trại, vệ sinh môi trường…với sự tham gia của người dân địa phương, xây dựng quy chế phối hợp và ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ với Hợp tác xã; (4) Thực hiện cắm mốc phân vùng bảo vệ danh lam thắng cảnh Mắt thần núi, và tuyên truyền tới người dân địa phương về khu vực bảo vệ di tích, các hoạt động được phép và không được phép thực hiện trong vùng vảo vệ di tích, khu vực bảo vệ cảnh quan của CVĐC theo các khuyến nghị của UNESCO; (5)Quy hoạch các vị trí phân bố các hoạt động dịch vụ như cắm trại, hàng quán đảm bảo quy định của luật di sản văn hoá, khuyến nghị của UNESCO và đảm bảo hài hoà với cảnh quan chung.