Trải nghiệm văn hoá bản địa qua lễ hội miếu Long Vương với nghi thức thả đèn hoa đăng trên sông Bắc Vọng
- Thứ hai - 06/12/2021 14:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hành trình về phía đông của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, "Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên", bên cạnh những danh thắng nổi tiếng và cảnh quan tuyệt đẹp của Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao và Mắt thần núi…, thì du khách còn được trải nghiệm và khám phá một nền văn hóa bản địa đặc sắc, hấp dẫn và thú vị.
Một trong số lễ hội tín ngưỡng đặc sắc và duy nhất được tổ chức ở miền đông Cao Bằng đó là nghi lễ thả đèn hoa đăng trên sông Bắc Vọng gắn với lễ hội Miếu Long Vương tại Thông Huề, huyện Trùng Khánh. Một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa. Lễ hội nhằm mục đích tế thần Long vương, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu tài, cầu lộc, đặc biệt là việc cầu tự.
Miếu Long Vương là một ngôi miếu linh thiêng, được xây dựng bên sườn ngọn núi Tam Tiên (nghĩa là núi 3 cô tiên), thuộc phố Thông Huề. Phía trước miếu là dòng sông Bắc Vọng uốn lượn tạo cho núi Tam Tiên một phong cảnh sơn thủy hữu tình. Theo truyền lại đây là ngọn núi thiêng hội tụ đủ cả long - mạch- thủy-sa. Miếu được người dân địa phương lập nên để thờ vị thần sông nước Nam Hải Long Vương. Theo truyền thuyết, ngày xưa người dân đi lại qua sông Bắc Vọng đầu phố Thông Huề năm nào cũng có người gặp nạn, thủy quái bắt từ 1- 2 người về thủy cung. Trong phố Thông Huề có đôi vợ chồng nghèo làm nghề quét chợ, không có con. Do ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức, vua Thủy tề đã cho Nam Hải Long Vương đầu thai làm con hai vợ chồng nọ. Một hôm người con nói với bố mẹ: Mai con về thủy cung, bố mẹ và bà con ở lại mạnh khỏe, con về xin vua cha hàng năm sẽ không bắt người dân đi qua cầu Thông Huề nữa. Nói rồi đêm đó người con chết. Từ khi người con của ông bà quét chợ chết, người dân qua lại sông Bắc Vọng không gặp nạn nữa. Thương xót con, cha mẹ và dân trong vùng đã lập miếu thờ .
Theo lệ, cứ vào năm nhuận, người dân phố Thông Huề lại tổ chức lễ hội miếu Long Vương với nghi lễ thả đèn hoa đăng trên sông Bắc Vọng.
Để chuẩn bị cho lễ hội diễn ra thuận lợi, sau Tết Nguyên đán khu phố sẽ cử người đến nhà thầy Tào để chọn ngày trong thời gian từ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch, sẽ chọn 3 ngày tốt để tổ chức lễ hội. Sau đó, người dân sẽ bầu ra ban tổ chức lễ hội, để phân công và chuẩn bị các phần việc như dọn miếu, cắt giấy đèn hoa đăng, chuẩn bị kiệu rước…
Có một quy định bắt buộc từ xưa đó là ngày chính diễn ra lễ hội cả phố Thông Huề đều phải ăn chay. Những người buôn bán thịt cá không được vào khu vực này để kinh doanh, các hàng ăn đều đóng cửa.
Lễ vật dâng thần Long Vương gồm một con lợn không đầu, (vì theo truyền lại thần Nam Hải Long Vương bị chém đầu), mâm xôi, hoa quả, bánh dày. Lễ hội Miếu Long Vương diễn ra trong ba ngày, với những nghi thức mang đậm yếu tố tâm linh và kỳ bí. Ngày thứ nhất, người dân đón thầy Tào, bà bụt về miếu để thực hiện công tác chuẩn bị như: niêm phong xung quanh miếu nhằm mục đích không cho ma quỷ đến ám, dựng "đàn Tam Bảo", treo bộ tranh tam thanh. Chuẩn bị mâm lễ và quần áo giấy cho Thần. Bánh dày và rượu ngọt phải được làm từ bàn tay những phụ nữ góa chồng bởi theo quan niệm phụ nữ có chồng sẽ không sạch sẽ.
Đến ngày chính hội, Thầy tào, bà bụt sẽ thực hiện các nghi thức cúng tại miếu như động tác thầy tào cầm ngang thẻ bài trên tay vừa nhảy vừa hát, họ chuyển động với hình số 8 theo chiều kim đồng hồ với ý niệm âm dương giao hòa, thực sự mê hoặc người xem… Sau phần cúng tế là nghi lễ rước kiệu thần Nam Hải Long Vương, diễn ra trang trọng với kiệu gỗ, lọng che được trang trí cầu kỳ, sặc sỡ. Đoàn rước xuất phát từ miếu, đi đầu là đội lân, sư tử, tiếp theo là kiệu thần, sau đó là các thầy tào, bà bụt, đội nhạc cụ, người cao tuổi và người tham dự. Đội rước đi đến miếu thổ công thắp hương sau đó lần lượt đến từng gia đình trong phố chúc phúc và phát cho mỗi gia đình một lá bùa bằng giấy có viết chữ Hán, sau đó chủ nhà dán tờ giấy này lên cửa…
Một trong những nghi thức độc đáo, mà du khách chỉ có thể bắt gặp tại lễ hội này đó là lễ thả đèn hoa đăng trên sông Bắc Vọng, đây là nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội miếu Long Vương.
Khoảng 20h, thầy tào, bà bụt và đông đảo người dân tham gia lễ hội cùng ra sông để thả đèn hoa. Trước khi thả đèn thầy tào thắp hương làm lễ, sau đó thả hàng trăm ngọn đèn hoa đăng xuống dòng sông. Hàng nghìn người từ khắp nơi kéo về tụ kín 2 bên bờ sông mong muốn vớt được đèn hoa đăng để gặp may mắn (đặc biệt những đôi vợ chồng trẻ lấy nhau nhiều năm mà chưa có con đều mong sao vớt được đèn). Người may mắn vớt được đèn sẽ mang lên miếu Long Vương thắp hương trình báo với thần Nam Hải Long Vương, sau đó đem đèn về nhà để lên bàn thờ tổ tiên (tuyệt đối trên đường đi không để đèn tắt).
Đến ngày cuối cùng của lễ hội miếu Long Vương. Các gia đình trong phố Thông Huề và khách tham dự lễ hội cùng nhau lên miếu thụ lộc và cùng anh em, bạn bè giao lưu, gặp gỡ và trao nhau những điệu Dá hai say đắm lòng người…
Lễ hội miếu Long Vương chính là không gian văn hóa tâm linh, nơi giao lưu, chia sẻ tình cảm trong cộng đồng, nơi trao truyền văn hóa hay nói cách khác- đó là nơi khởi nguồn, bồi đắp, duy trì và lan tỏa các giá trị văn hóa, sức mạnh này ở quy mô làng xã được nâng lên thành sức mạnh của dân tộc. Đây là di sản văn hóa cần được bảo tồn gìn giữ và phát huy.
Phố cổ Cô Sầu, Thông Huề Trùng Khánh, với phong cảnh hữu tình, với những dãy nhà cổ, với những món ăn đậm hương vị quê hương nổi tiếng: bánh khảo, đậu phụ trao, tương mẹc cảng… đặc biệt là trải nghiệm nghi thức thả đèn hoa đăng trên sông bắc vọng sau tết Nguyên Đán sẽ cho du khách thêm yêu miền Non nước Cao Bằng.