Tuyên bố Cao Bằng - Lan tỏa trách nhiệm giải quyết thách thức toàn cầu
- Thứ sáu - 22/11/2024 12:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Cao Bằng đã triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo tồn và phát huy những giá trị di sản trong vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Trải qua giai đoạn xây dựng và phát triển CVĐC từ năm 2015 đến nay, ngành du lịch Cao Bằng có nhiều dấu hiệu khởi sắc với tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định từ việc triển khai mô hình CVĐC toàn cầu UNESCO. Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón hơn 1,6 triệu lượt khách du lịch, tăng 11% so với cùng kỳ, trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 36.065 lượt, tăng 63% so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 1.276 tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ, đạt 85% kế hoạch năm nay. Nhờ những nỗ lực thực hiện khuyến nghị cũng như tích cực tham gia vào các hoạt động của GGN, CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được các thành viên GGN đánh giá cao trong vận hành công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản địa chất và văn hóa, tri thức bản địa các dân tộc thiểu số để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Với sự tin tưởng đó, Cao Bằng vinh dự được lựa chọn là địa phương đăng cai Hội nghị APGN 8.
Bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên cho biết: CVĐC Non nước Cao Bằng là hình mẫu hợp tác hiệu quả với UNESCO và Việt Nam là quốc gia thành viên chủ động, tích cực, luôn đưa ra những sáng kiến, khuyến nghị có tính chiến lược đối với các vấn đề chung của UNESCO. Trước thềm diễn ra Hội nghị APGN 8, chúng ta đã chứng kiến Cao Bằng và nhiều tỉnh phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do siêu bão Yagi gây ra. Vì vậy để hiện thực hóa nhiệm vụ CVĐC cùng với phát triển bền vững cần cấp thiết xây dựng chương trình hành động về chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro để bảo vệ Trái đất và nhân loại. Đứng trước những thách thức mới về vấn đề toàn cầu, Hội đồng GGN và các thành viên đưa ra Tuyên bố Cao Bằng với 8 nội dung gồm những quan điểm mới tích cực thúc đẩy các CVĐC thực hiện khuyến nghị của GGN và UNESCO. Trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thiểu số và các tri thức bản địa trong khu vực CVĐC; khuyến nghị “lấy nhân dân làm trung tâm” đặc biệt là dân tộc thiểu số, tham gia bảo tồn và quảng bá các khu vực CVĐC.
Chia sẻ về ý nghĩa của Tuyên bố Cao Bằng, ông Guy Martini, Tổng Thư ký GGN cho biết: Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu, hơn bao giờ hết, cocấp thiết của việc bảo vệ môi trường Trái đất, nuôi dưỡng mối quan hệ hài hòa giữa nhân loại và thiên nhiên. Tuyên bố Cao Bằng đã khẳng định vai trò quan trọng của của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn các giá trị di sản trong vùng CVĐC toàn cầu UNESCO đồng thời khuyến khích các thành viên GGN kết nối, hợp tác, tham gia diễn đàn quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững, hòa bình và thịnh vượng cho nhân loại. Sau Hội nghị APGN 8, Hội đồng và các thành viên GGN tiếp tục tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về việc bảo tồn, giữ gìn giá trị di sản địa chất và bản sắc văn hóa dân tộc trong vùng CVĐC, tiêu biểu như: Hội đàm tìm hiểu cam kết của UNESCO trong việc thúc đẩy đa dạng địa chất và phát triển bền vững tại trụ sở UNESCO; Hội thảo trực tuyến về chủ đề “Bình đẳng giới và đa dạng địa chất” do CVĐC toàn cầu UNESCO Khorat (Thái Lan) và CVĐC toàn cầu UNESCO Merangin Jambi (Indonesia) tổ chức; Hội thảo quốc tế “Chống chọi với cháy rừng trong thời kỳ biến đổi khí hậu” tại Chile... Theo ông Guy Martini: Để nâng cao nhận thức và triển khai hiệu quả giáo dục tri thức khoa học về trái đất cho thế hệ trẻ cần đẩy mạnh, đa dạng các hoạt động tìm hiểu về giá trị di sản sinh học, địa chất, khảo cổ, kiến trúc và tiềm năng phát triển du lịch bền vững. Qua đó giải quyết hài hòa vấn đề phát triển kinh tế - xã hội gắn với trách nhiệm bảo vệ các giá trị di sản CVĐC, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên môi trường.
Với sự ra đời của Tuyên bố Cao Bằng, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh tin tưởng rằng những kinh nghiệm, chia sẻ quý báu trong công tác xây dựng và phát triển danh hiệu CVĐC theo các tiêu chí của UNESCO sẽ góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản và tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch bền vững.
Tuyên bố Cao Bằng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, nhất trí cao của các thành viên GGN, góp phần lan tỏa trách nhiệm giải quyết những vấn đề thách thức toàn cầu. Từ đó đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn, giữ gìn, quảng bá các giá trị di sản đặc sắc và tăng cường hợp tác giữa các CVĐC về phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, thúc đẩy phát triển mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO lên nấc thang mới.