ĐIỂM DI SẢN LÀNG RÈN PÁC RẰNG
- Thứ ba - 18/01/2022 14:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Làng rèn Pác Rằng thuộc xã Phúc Sen, huyện Quảng Hoà. Tương truyền làng rèn đã có từ thế kỷ thứ XI, ban đầu vốn là nơi sản xuất vũ khí cho đội quân của Nùng Tồn Phúc và Nùng Trí Cao chống lại quân Tống. Sau chiến tranh, người dân ở đây chuyển sang rèn công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Có nguồn tin còn cho rằng làng rèn này đã từng đúc cả thần công trước kia và đại bác trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Về sự ra đời của làng nghề, có truyền thuyết rằng thuở xưa có một ông cụ không biết từ đâu đi ngang qua, thấy người Nùng An chỉ biết săn bắt, hái lượm nên cuộc sống rất nghèo đói. Bù lại họ rất hiền lành, tốt bụng và đặc biệt có đôi mắt được ví là “nhãn thần” vì khả năng đi rừng ban đêm không cần bất kỳ dụng cụ phát sáng nào. Vì thế ông cụ quyết định dạy cho người Nùng An nghề rèn. Truyền nghề xong, ông cụ rời Phúc Sen chẳng một lời từ biệt, cũng không để lại tên tuổi, quê quán. Ngày nay, người Nùng An ở Phúc Sen vẫn lập một ngôi đền nhỏ để tưởng nhớ ông tổ nghề và mỗi gia đình đều có riêng một bát hương tỏ lòng biết ơn đối với ông.
Hiện này, hơn một nửa trong số gần 400 hộ dân làng Pác Rằng làm nghề rèn, khiến nó trở thành “xưởng rèn thủ công” lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Nhiều gia đình làm nghề này cha truyền con nối đã hàng chục đời. Sản phẩm rèn của làng làm ra luôn nổi tiếng về độ sắc và độ bền hơn là hình thức. Họ cũng tiết lộ rằng phải luyện mắt đến độ tinh thông để cảm nhận nước thép khi nào là vừa, để sản phẩm làm ra rắn mà không giòn, dẻo mà không mềm. Nước tôi thép cũng được từng nhà tự chế lấy theo bí quyết riêng của mình.
Có lẽ làng rèn Pác Rằng đã may mắn được thừa hưởng những tinh hoa của nền Văn hóa Đông Sơn rực rỡ từ thời đại kim khí. Song chắc chắn là điều kiện tự nhiên của vùng rừng núi đá vôi, phong phú các loại hình khoáng sản đã được người Nùng An, với tâm huyết, sự khéo léo, cần cù và trí tuệ của mình, phát huy để làm ra những sản phẩm tinh xảo này.