Công viên địa chất Cao Bằng

http://caobanggeopark.com


CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng – Chặng đường 2 năm định hình chiến lược và hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển du lịch bền vững

CVĐC Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu từ tháng 4 năm 2018, việc xây dựng và phát triển CVĐC Non nước Cao Bằng theo các tiêu chí của UNESCO đối với một CVĐC toàn cầu trong thời gian vừa qua đã phần nào giúp tỉnh định hình được hướng phát triển ngành du lịch một cách hợp lý và từng bước xây dựng được chiến lược tiếp cận và giải quyết những tồn tại của ngành du lịch một cách tổng thể. Công viên địa chất toàn cầu, một danh hiệu của UNESCO, là mô hình phát triển trong đó tập trung vào phát triển dựa trên nguyên tắc bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử, và di sản địa chất, bảo vệ môi trường, đồng thời sử dụng hợp lý, tổng thể, và đa dạng các nguồn tài nguyên (UNESCO, 2004). Từ  2018 đến nay, CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng đã, đang triển khai và tham mưu cho tỉnh xây dựng một chiến lược phát triển du lịch dựa trên nguyên tắc bảo tồn, công bằng, có sự tham gia và thân thiện với môi trường.
Ảnh 42
Chu kỳ sống của điểm đến du lịch (nguồn tác giả Natalia da Cunha Alvarez)
Có thể nói hiện nay du lịch Cao Bằng đang ở giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển đối với một điểm đến du lịch (Thăm dò & phát hiện), tạo thế mạnh lớn cho tỉnh mà nhiều điểm du lịch phát triển trong nước và quốc tế đã đánh mất do vậy cơ hội phát triển theo chu kỳ sống của điểm đến qua lối đi phù hợp ngay từ đầu nhằm có được sự phát triển, chí ít là "ổn định" đối với ngành du lịch của tỉnh. Chính xác hơn, thực trạng chu kỳ sống của điểm đến Cao Bằng thể hiện sự hòa trộn của nhiều yếu tố thuộc giai đoạn đầu tiên là Thăm dò & phát hiện và giai đoạn 3-phát triển. Xem xét trong thời điểm hiện tại, hình ảnh điểm đến Cao Bằng đang được phát triển khi chưa có đường lối kế hoạch hiệu quả để các cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh tuân theo. Do vậy từ khi được công nhận là danh hiệu CVĐC toàn cầu từ t8/2018, Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng đã nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong phát triển du lịch, trong đó tập trung vào một số nội dung cơ bản như:
Ảnh 43
Vệ sinh môi trường tại điểm di sản Mỏ thiếc Tĩnh Túc được đảm bảo

Vệ sinh môi trường:  hiện nay rác thải đang là một vấn đề nghiêm trọng không những là ở Cao Bằng mà các địa phương trong cả nước cũng như trên thế giới. Từ 2018 đến nay công tác quản lý rác thải tại các điểm trải nghiệm cho du khách trong 3 tuyến du lịch của CVĐC cơ bản đã có sự tham gia của chính quyền và người dân địa phương, du khách cũng dần ý thức được việc bỏ rác vào thùng và gìn giữ vệ sinh tại các điểm di sản, và các đối tác CVĐC cũng đã ý thức được việc phải gìn giữ vệ sinh môi trường xung quanh. Trong giai đoạn tiếp theo, nội dung này sẽ được thực hiện với nhiều đối tượng tham gia hơn như: chính quyền địa phương các cấp, đơn vị lữ hành, đoàn thanh niên, người dân sản xuất lương thực, thực phẩm cùng với việc xây dựng những câu khẩu hiệu và gắn logo thân thiện môi trường cho các đối tác. Mục tiêu chính là hướng tới hoạt động phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ để giảm tải rác thải ra các bãi rác. Đây là một trong những nội dung chính để hướng tới xây dựng một môi trường du lịch thân thiện môi trường và tạo điểm nhấn với du khách khi đến với Cao Bằng.

        Phát triển và nâng cao chất lượng mạng lưới đối tác CVĐC: từ năm 2018 đến nay CVĐC đã xây dựng được một Mạng lưới đối tác hơn 20 đối tác là: homestay, nhà hàng, khách sạn, công ty lữu hành, và các làng nghề. Hiện nay các đối tác này đã và đang là những cá nhân, đơn vị tiên phong trong việc thực hành đầy đủ các quy định về chất lượng dịch vụ, giá cả, vệ sinh môi trường và gìn giữ làng nghề, và kiến trúc truyền thống, bảo tồn văn hoá bản địa. Nhằm thực hiện chiến lược phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới, Ban quản lý CVĐC sẽ tập trung mở rộng mạng lưới đối tác, tập huấn cho các đối tác, và gắn logo đạt chuẩn chất lượng thân thiện môi trường và cam kết thực hành du lịch bền vững. Các đối tác sẽ tiến hành ký kết hợp tác và thúc đẩy hoạt động của các bên liên quan. Ví dụ đối tác là đơn vị kinh doanh dịch vụ nhà hàng sẽ cam kết hợp tác và thúc đẩy hỗ trợ các đối tác khác như: cam kết sử dụng sản phẩm từ các hộ nông dân canh tác trồng trọt và chăn nuôi, sử dụng dịch vụ từ các đối tác là đội văn nghệ của các xóm đến biểu diễn tại nhà hàng, hoặc giới thiệu các đối tác kinh doanh dịch vụ vận tải...Mục tiêu của hoạt động này là xây dựng một mạng lưới đơn vị cung cấp dịch vụ chất lượng, thực hành đầy đủ các nội dung về bảo vệ môi trường, có sự phối hợp của các bên liên quan...
Ảnh 44
Đội văn nghệ làng Khuổi Ky phục vụ đoàn đại biểu quốc tế

Bảo tồn văn hoá, tri thức bản địa: Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, tri thức bản địa và phát triển du lịch có mối quan hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Có thể nói nếu du lịch phát triển sẽ tạo điều kiện cho du khách tiếp cận với các giá trị văn hoá ở mỗi địa phương. Nhưng nếu du lịch chỉ khai thác mà không chú trọng đến việc bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa, tri thức bản địa thì các giá trị văn hoá dễ dàng xuống cấp hoặc biến dạng. Đến nay, Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng đã phối hợp với một số đối tác thúc đẩy và lồng ghép các hoạt động văn nghệ dân gian tại các đối tác là nhà hàng, khách sạn để biểu diễn phục vụ du khách. Ngoài ra, BQL CVĐC đã phối hợp với các đơn vị liên quan khác tiến hành sưu tầm các truyền thuyết, sự tích để phục vụ du khách tham quan tại các điểm di sản. Để nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá và tri thức bản địa này phục vụ phát triển du lịch, trong thời gian tới BQL CVĐC sẽ phối hợp với các huyện rà soát các loại hình văn nghệ, thực hành tín ngưỡng, tri thức dân gian để hoàn thiện hồ sơ; triển khai thành lập các đội văn nghệ, đào tạo tập huấn để phục vụ du lịch; xúc tiến ký kết đối tác các đội văn nghệ với các đối tác khác của CVĐC như nhà hàng, homestay và các khu điểm du lịch.

          Nông nghiệp thân thiện môi trường gắn liền với du lịch:Du lịch nông nghiệp là phân khúc thị trường đang phát triển và là hoạt động thương mại tại một trang trại, nông trang hay hợp tác xã nông nghiệp được tổ chức với mục đích giúp du khách trải nghiệm, giáo dục hoặc chủ động tham gia vào các hoạt động nông nghiệp, tạo thêm thu nhập cho nông trại và các đối tác khác. Mục đích chính của việc thúc đẩy phát triển hình thức du lịch nông nghiệp là do đây là loại hình Du lịch hiệu quả nhất để thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của cộng đồng địa phương và làm tăng thu nhập hoặc tạo thêm thu nhập cho nông dân và người dân ngày càng quan tâm đến nguồn gốc của các thực phẩm mà mình tiêu thụ. Từ 2018 đến nay, BQL CVĐC đã phối hợp với các đối tác xây dựng và phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ như tại Kolia và tại Hồng Việt, Hoà An. Trong thời gian tới BQL CVĐC sẽ phối hợp với các huyện tiến hành rà soát và thống kê các hộ, hợp tác xã đã và có quan tâm tới triển khai mô hình nông nghiệp sạch gắn liền với phát triển du lịch; tiến hành đào tạo & tập huấn về triển khai mô hình; trao chứng nhận đối tác; xúc tiến ký kết với các đối tác liên quan khác như công ty lữ hành, đơn vị kinh doanh lưu trú, nhà hàng, khách sạn và trường học.

          Đa dạng hoá sản phẩm du lịch: Trong bối cảnh sản phẩm du lịch của Cao Bằng còn hạn chế và thiếu sự đa dạng để du khách lựa chọn, Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng cùng với sự tư vấn của chuyên gia UNESCO đã tham mưu cho tỉnh xây dựng được 3 tuyến trải nghiệm: Tuyến 1-Hành trình về nguồn cội (huyện Hoà An và Hà Quảng); Tuyến 2-Khám phá Phja Oắc-Vùng núi của những đổi thay; Tuyến 3- Trải nghiệm văn hoá Bản địa ở xứ sở thần tiên. Đến với các tour du lịch CVĐC này du khách không những được trải nghiệm cảnh đẹp của Cao Bằng mà còn hiểu thêm về những giá trị văn hoá-lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc, làng nghề truyền thống, di sản địa chất và các đối tác dịch vụ tin cậy. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản như bãi đỗ xe, biển bảng thuyết minh di sản, vệ sinh môi trường đảm bảo tại điểm di sản đã phần nào giúp du khách có được những trải nghiệm khác biệt so với các sản phẩm du lịch ngắm cảnh thường có trước đây. Ngoài ra, hiện nay Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng cũng đang nghiên cứu để tham mưu cho tỉnh xây dựng và phát triển thêm các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh của tỉnh như: du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái & Thiên nhiên; Du lịch mạo hiểm & các môn thể thao dưới nước và trên núi; và du lịch sự kiện.

          Giáo dục cho thế hệ tương lai của quê hương, đất nước: Một trong những mục tiêu của danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO đó là việc giáo dục cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ để tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác bảo tồn các loại hình di sản như: địa chất, văn hóa vật thể, phi vật thể, cảnh quan thiên nhiên, và đa dạng sinh học, qua đó góp phần gìn giữ và bảo vệ những giá trị này phục vụ phát triển du lịch. Từ khi được công nhận là CVĐC toàn cầu UNESCO 2018, BQL CVĐC Non nước Cao Bằng đã tham mưu cho tỉnh triển khai mô hình giáo dục về CVĐC thông qua mô hình "CLB cùng em khám phá CVĐC". Mô hình này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục về CVĐC và trang bị những kiến thức cần thiết cho các em học sinh về văn hóa, lịch sử, địa lý, sinh học, và bảo vệ môi trường; giúp các em nhận thức và tự hào về những di sản của nơi mình được sinh ra. Qua đó góp phần thực hiện được các mục tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc và tiêu chí của UNESCO, đặc biệt là Mục tiêu số 16 Chương trình Nghị sự toàn cầu tầm nhìn 2030 “CVĐC toàn cầu UNESCO tích cực giáo dục cộng đồng và du khách tất cả các lứa tuổi. CVĐC toàn cầu là các lớp học ngoài trời cho học sinh, sinh viên các nhà nghiên cứu, và là môi trường khuyến khích thúc đẩy phát triển bền vững, lối sống bền vững, và khuyến khích sự tự hào về đa dạng văn hóa.”

        Dù việc xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu UNESCO là một nhiệm vụ mới mẻ không những tại Cao Bằng mà cả ở Việt Nam, do vậy việc triển khai những nhiệm vụ về xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu UNESCO ở Cao Bằng còn nhiều khó khăn và thiếu hành lang pháp lý. Tuy nhiên việc bám sát theo những tiêu chí đối với một CVĐC toàn cầu của UNESCO đã và đang mang lại những kết quả nhất định trong thúc đẩy và hỗ trợ phát triển cho ngành du lịch Cao Bằng, giúp tỉnh Cao Bằng định hình được bước đi cụ thể và phù hợp với điều kiện của tỉnh, vận dụng và sử dụng những nguồn tài nguyên du lịch một cách hiệu quả, thân thiện môi trường và bảo vệ các nguồn tài nguyên này cho thế hệ mai sau.

Nguồn tin: Trần Thùy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây