Vệ sinh môi trường: hiện nay rác thải đang là một vấn đề nghiêm trọng không những là ở Cao Bằng mà các địa phương trong cả nước cũng như trên thế giới. Từ 2018 đến nay công tác quản lý rác thải tại các điểm trải nghiệm cho du khách trong 3 tuyến du lịch của CVĐC cơ bản đã có sự tham gia của chính quyền và người dân địa phương, du khách cũng dần ý thức được việc bỏ rác vào thùng và gìn giữ vệ sinh tại các điểm di sản, và các đối tác CVĐC cũng đã ý thức được việc phải gìn giữ vệ sinh môi trường xung quanh. Trong giai đoạn tiếp theo, nội dung này sẽ được thực hiện với nhiều đối tượng tham gia hơn như: chính quyền địa phương các cấp, đơn vị lữ hành, đoàn thanh niên, người dân sản xuất lương thực, thực phẩm cùng với việc xây dựng những câu khẩu hiệu và gắn logo thân thiện môi trường cho các đối tác. Mục tiêu chính là hướng tới hoạt động phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ để giảm tải rác thải ra các bãi rác. Đây là một trong những nội dung chính để hướng tới xây dựng một môi trường du lịch thân thiện môi trường và tạo điểm nhấn với du khách khi đến với Cao Bằng.
Bảo tồn văn hoá, tri thức bản địa: Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, tri thức bản địa và phát triển du lịch có mối quan hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Có thể nói nếu du lịch phát triển sẽ tạo điều kiện cho du khách tiếp cận với các giá trị văn hoá ở mỗi địa phương. Nhưng nếu du lịch chỉ khai thác mà không chú trọng đến việc bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa, tri thức bản địa thì các giá trị văn hoá dễ dàng xuống cấp hoặc biến dạng. Đến nay, Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng đã phối hợp với một số đối tác thúc đẩy và lồng ghép các hoạt động văn nghệ dân gian tại các đối tác là nhà hàng, khách sạn để biểu diễn phục vụ du khách. Ngoài ra, BQL CVĐC đã phối hợp với các đơn vị liên quan khác tiến hành sưu tầm các truyền thuyết, sự tích để phục vụ du khách tham quan tại các điểm di sản. Để nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá và tri thức bản địa này phục vụ phát triển du lịch, trong thời gian tới BQL CVĐC sẽ phối hợp với các huyện rà soát các loại hình văn nghệ, thực hành tín ngưỡng, tri thức dân gian để hoàn thiện hồ sơ; triển khai thành lập các đội văn nghệ, đào tạo tập huấn để phục vụ du lịch; xúc tiến ký kết đối tác các đội văn nghệ với các đối tác khác của CVĐC như nhà hàng, homestay và các khu điểm du lịch.
Nông nghiệp thân thiện môi trường gắn liền với du lịch:Du lịch nông nghiệp là phân khúc thị trường đang phát triển và là hoạt động thương mại tại một trang trại, nông trang hay hợp tác xã nông nghiệp được tổ chức với mục đích giúp du khách trải nghiệm, giáo dục hoặc chủ động tham gia vào các hoạt động nông nghiệp, tạo thêm thu nhập cho nông trại và các đối tác khác. Mục đích chính của việc thúc đẩy phát triển hình thức du lịch nông nghiệp là do đây là loại hình Du lịch hiệu quả nhất để thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của cộng đồng địa phương và làm tăng thu nhập hoặc tạo thêm thu nhập cho nông dân và người dân ngày càng quan tâm đến nguồn gốc của các thực phẩm mà mình tiêu thụ. Từ 2018 đến nay, BQL CVĐC đã phối hợp với các đối tác xây dựng và phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ như tại Kolia và tại Hồng Việt, Hoà An. Trong thời gian tới BQL CVĐC sẽ phối hợp với các huyện tiến hành rà soát và thống kê các hộ, hợp tác xã đã và có quan tâm tới triển khai mô hình nông nghiệp sạch gắn liền với phát triển du lịch; tiến hành đào tạo & tập huấn về triển khai mô hình; trao chứng nhận đối tác; xúc tiến ký kết với các đối tác liên quan khác như công ty lữ hành, đơn vị kinh doanh lưu trú, nhà hàng, khách sạn và trường học.
Đa dạng hoá sản phẩm du lịch: Trong bối cảnh sản phẩm du lịch của Cao Bằng còn hạn chế và thiếu sự đa dạng để du khách lựa chọn, Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng cùng với sự tư vấn của chuyên gia UNESCO đã tham mưu cho tỉnh xây dựng được 3 tuyến trải nghiệm: Tuyến 1-Hành trình về nguồn cội (huyện Hoà An và Hà Quảng); Tuyến 2-Khám phá Phja Oắc-Vùng núi của những đổi thay; Tuyến 3- Trải nghiệm văn hoá Bản địa ở xứ sở thần tiên. Đến với các tour du lịch CVĐC này du khách không những được trải nghiệm cảnh đẹp của Cao Bằng mà còn hiểu thêm về những giá trị văn hoá-lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc, làng nghề truyền thống, di sản địa chất và các đối tác dịch vụ tin cậy. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản như bãi đỗ xe, biển bảng thuyết minh di sản, vệ sinh môi trường đảm bảo tại điểm di sản đã phần nào giúp du khách có được những trải nghiệm khác biệt so với các sản phẩm du lịch ngắm cảnh thường có trước đây. Ngoài ra, hiện nay Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng cũng đang nghiên cứu để tham mưu cho tỉnh xây dựng và phát triển thêm các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh của tỉnh như: du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái & Thiên nhiên; Du lịch mạo hiểm & các môn thể thao dưới nước và trên núi; và du lịch sự kiện.
Giáo dục cho thế hệ tương lai của quê hương, đất nước: Một trong những mục tiêu của danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO đó là việc giáo dục cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ để tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác bảo tồn các loại hình di sản như: địa chất, văn hóa vật thể, phi vật thể, cảnh quan thiên nhiên, và đa dạng sinh học, qua đó góp phần gìn giữ và bảo vệ những giá trị này phục vụ phát triển du lịch. Từ khi được công nhận là CVĐC toàn cầu UNESCO 2018, BQL CVĐC Non nước Cao Bằng đã tham mưu cho tỉnh triển khai mô hình giáo dục về CVĐC thông qua mô hình "CLB cùng em khám phá CVĐC". Mô hình này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục về CVĐC và trang bị những kiến thức cần thiết cho các em học sinh về văn hóa, lịch sử, địa lý, sinh học, và bảo vệ môi trường; giúp các em nhận thức và tự hào về những di sản của nơi mình được sinh ra. Qua đó góp phần thực hiện được các mục tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc và tiêu chí của UNESCO, đặc biệt là Mục tiêu số 16 Chương trình Nghị sự toàn cầu tầm nhìn 2030 “CVĐC toàn cầu UNESCO tích cực giáo dục cộng đồng và du khách tất cả các lứa tuổi. CVĐC toàn cầu là các lớp học ngoài trời cho học sinh, sinh viên các nhà nghiên cứu, và là môi trường khuyến khích thúc đẩy phát triển bền vững, lối sống bền vững, và khuyến khích sự tự hào về đa dạng văn hóa.”
Nguồn tin: Trần Thùy
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn