Hãy tưởng tượng bạn đang ở đây vào khoảng thời gian 400 triệu năm trước. Không đường xá, không núi đồi, cũng không có đá…khắp nơi xung quanh bạn chỉ là nước. Bạn đang đứng dưới đáy của một đại dương cổ!
Bọt biển vôi
Hóa thạch lỗ tầng
Ở nơi đáy đại dương này, xung quanh bạn là cơ thể sống kỳ lạ cao từ 5 đến 20cm trông giống như bọt biển. Chúng là bọt biển vôi đặc trưng bởi bộ xương hoàn toàn là các gai canxi cacbonat (cấu trúc hình kim) và một phần của họ bọt biển “vôi”. Danh pháp khoa học của bọt biển vôi này là “stromtoporoids” (lỗ tầng). Lỗ tầng là những sinh vật cấu tạo nên các rặng san hô chính khoảng 470 triệu năm trước (kỷ Ordovic giữa) cho đến khi bị tuyệt diệt gần như hoàn toàn trong một sự kiện tuyệt chủng lớn diễn ra vào khoảng 372 triệu năm trước (được gọi là sự kiện tuyệt chủng Devon muộn, bao gồm hai đợt xung đột tuyệt chủng chính, một đợt diễn ra khoảng 372 triệu năm trước và một đợt nữa diễn ra khoảng 359 triệu năm trước) – một sự kiện quy mô hành tinh khiến cho gần 22% các “họ” sinh vật biển (chủ yếu là động vật không xương sống) bị xóa sổ. Qua thời gian, trầm tích của đại dương cổ này đã biến đổi thành đá vôi silic màu xám đen, tạo nên điểm di sản độc đáo của Công viên địa chất UNESCO Cao Bằng. Nếu quan sát kỹ bên trong đá vôi màu đen, bạn sẽ thấy các phiến mỏng nhỏ kết nối với nhau bằng các trụ dọc, tạo thành cấu trúc tổng thể có màu đỏ trắng. Đó là những dấu tích của bộ xương canxi cacbonat (canxit) dày của hóa thạch lỗ tầng. Sau này, đá trong khu vực bị dập vỡ thành các đới rộng đến vài chục mét và bị chia cắt mạnh do các hoạt động vận động gần đây của vỏ trái đất (các hoạt động tân kiến tạo). Khu vực này khá nguy hiểm do có nguy cơ đá lở. Vì vậy, quý khách không nên sang đường, thay vào đó hãy quan sát những mẫu đá ở gần biển thông tin này và thử tìm kiếm những hóa thạch lạ, độc đáo, là những sinh vật từng tồn tại rất nhiều ở đây, trong một đại dương cổ 400 triệu năm về trước!