ĐIỂM DI SẢN TUYẾN ĐƯỜNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Thứ bảy - 15/01/2022 17:22
DSC2998
DSC3010
tuyen duong vo nguyen giap 3
tuyen duong vo nguyen giap 2
Tuyến đường Võ Nguyên Giáp - Khu rừng Trần Hưng Đạo

Khu rừng Trần Hưng Đạo là rừng nguyên sinh có diện tích hơn hai trăm ha. Nơi đây ngày 22 tháng 12 năm 1944 đã diễn ra sự kiện thành lập đội Việt Nam Tuyên tryền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam).
Là bảo tàng sống động về không gian và thời gian, lưu giữ những địa danh, hiện vật gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam; gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người “Anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đến với Khu rừng Trần Hưng Đạo, du khách không những được tìm hiểu truyền thống lịch sử những ngày đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam với nhiều điểm di tích mà còn được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh nhiệt đới. Nơi đây vẫn giữ được vẻ hoang sơ, khí hậu mát mẻ quanh năm, là nơi rất lý tưởng cho các chương trình nghiên cứu và du lịch sinh thái.
Bạn hãy đi theo con đường nhỏ để cùng trải nghiệm, tìm hiểu các giá trị lịch sử đã được ghi dấu trong khu rừng này.
1. Địa điểm thành lập Đội VNTTGPQ
Xuất phát từ khu trung tâm đi theo con đường bê tông nhỏ với những bậc cao dần, hai bên là những cây cổ thụ cao rợp bóng, khoảng 200m đến ngã ba rẽ phải xuống khoảng 10 bậc là khu đất bằng phẳng, nơi ghi dấu sự kiện thành lập đội VNTTGPQ. Đến đây ta không khỏi xúc động khi bắt gặp hình ảnh cây sâu sâu già, nơi giương cao lá cờ đỏ sao vàng chứng kiến sự ra đời của đội VTTGPQ. Tại đây, một nhà bia trung tâm đã được xây năm 1994 nhằm ghi lại dấu tích và thể hiện lòng tôn kính của nhân dân đối với những người lính đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam.
2. Lán nghỉ và bếp ăn của Đội VNTTGPQ
Cách nhà bia trung tâm khoảng 30m là hai dãy nhà nghỉ - bếp ăn, mô phỏng lán trại cũ của Đội VNTTGPQ. Dãy nhà xây theo kiểu nhà của người miền xuôi gồm 4 gian, 2 trái với chất liệu bê tông cốt thép đánh màu. Bên trong dãy nhà nghỉ có dựng mô phỏng lại dãy chõng tre chạy quanh nhà, là nơi nghỉ ngơi của Đội. Đối diện lán nghỉ là dãy bếp ăn của Đội VNTTGPQ, đến đây bạn sẽ được nghe kể câu chuyện về bữa ăn đạm bạc trong buổi đầu thành lập, thể hiện tinh thần quyết tâm, ý chí chiến thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
3. Mó nước phục vụ sinh hoạt của đội VNTTGPQ
Từ khu lán nghỉ - bếp ăn đi tiếp con đường nhỏ xuống khoảng 50m là mó nước chảy quanh năm, nơi lấy nước sinh hoạt của Đội VNTTGPQ. Xung quanh đây vẫn còn những cây sấu cổ thụ mà Đội VNTGPQ đã lấy lá và quả để ăn hàng ngày. Trong số này có một cây sấu cổ thụ trên 300 tuổi đã được công nhận là cây di sản Việt Nam năm 2014.
4. Đỉnh Slam Cao
Từ nhà bia trung tâm, tiếp tục chinh phục 505 bậc đá cao dần để lên đỉnh Slam Cao, đỉnh núi cao nhất của núi Dền Sinh. Từ đây có thể quan sát các hướng; nhìn về phía Tây Bắc thấy Đồn Phai Khắt, làng Phai Khắt và núi Thẳm Khẩu; về phía Đông Bắc thấy đồn Nà Ngần; phía Đông Nam là đồn Benle bên đường số 3B đến đèo Cao Bắc. Tại đây đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy Đội đã trực tiếp quan sát để đưa ra các phương án đánh đồn Phai Khắt, trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Đỉnh Slam Cao là thửa đất bằng phẳng rộng trên 500m2. Đây là khuôn viên lý tưởng dành cho du khách nghỉ ngơi, thư giãn sau một hành trình khám phá chinh phục đỉnh cao, tận hưởng không khí mát mẻ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của những cánh rừng nguyên sinh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây