Mỏ Thiếc Tĩnh Túc là mỏ lộ thiên bắt đầu hoạt động vào cuối thế kỷ 19. Năm 1902, mỏ thuộc sở hữu của người Pháp, công ty "Société des mines d'etain de Cao Bang" (Mỏ thiếc Cao Bằng) bắt đầu khai thác mỏ này cho tới khi Việt Nam giành được độc lập. Thiếc cùng nhiều khoáng sản khác sau đó tiếp tục được khai thác ở mỏ Tĩnh Túc và lân cận cho đến ngày nay. Quá trình phát triển của mỏ đã ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của thị trấn Tĩnh Túc vào đầu và trong thế kỷ 20.
Tương tự như nhiều mỏ khoáng khác ở xung quanh khối granit Phia Oắc, dòng magma nóng chảy giầu chất bốc xuyên lên (cách ngày nay khoảng 85-95 triệu năm, kỷ Creta) trong đá vôi (chứa hóa thạch Huệ biển, hình thành trong điều kiện biển nông và ấm cách ngày nay khoảng 360-270 triệu năm, kỷ Carbon-Permi) đã là nguyên nhân tạo ra thiếc và nhiều loại khoáng sản khác đi kèm.
Thiếc là khoáng sản có giá trị kinh tế cao. Đó là một kim loại màu trắng-vàng, mềm, dẻo và khá bền. Thiếc được khai thác và sử dụng từ thời kỳ đồ đồng, 3000 năm trước Công nguyên. Khi mới được phát hiện và sử dụng, thiếc được trộn với đồng để làm ra đồng thau. Sau đó, do có tính độc thấp, thiếc được dùng để sản xuất đồ dùng gia đình (đĩa, bát…). Hiện nay, hợp kim từ thiếc được dùng trong nhiều ứng dụng khác nhau, như hàn, hay làm nam châm và dây siêu dẫn. Thiếc còn được dùng trong công nghiệp sản xuất thủy tinh và lớp tráng chống mưa gió cho cửa sổ và kính chắn gió.
Việt Nam là nước khai thác thiếc lớn thứ 9 trên thế giới, sản lượng khoảng 5400 tấn/năm.
Đến mỏ Tĩnh Túc, du khách còn có thể bắt gặp những dấu ấn khai thác của người Pháp trước đây cùng nhiều dạng địa hình karst-kiến tạo độc đáo, như bề mặt san bằng ở độ cao 1.200m trên mực nước biển, hố sụt và phễu karst...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn