Theo phong tục của người Việt Nam, đến Tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch), bên cạnh các loại bánh như bánh trôi, bánh chay, bánh gio là loại bánh rất phổ biến trong ngày này. Bánh gio là món ăn độc đáo, hấp dẫn không thể thiếu của người Tày, Nùng ở Cao Bằng vào ngày tết Đoan Ngọ. Đây là một trong những nét văn hoá cổ truyền của dân tộc, được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Những ngày này, mỗi gia đình lại tất bật chuẩn bị cho những mẻ bánh mới, mỗi khâu làm bánh đều có bí quyết riêng. Cái tên bánh gio có lẽ được xuất phát từ chính thành phần vô cùng quan trọng để làm bánh, đó là tro. Tro được chọn lựa đốt từ vỏ bưởi, cây thầu dầu, rơm nếp…đốt thành tro, vò mịn cùng với đó là nước ninh từ các loại thảo mộc lấy trên đồi rừng, đem lọc lắng, nước tro hòa với nước vôi trong có màu vàng hổ phách mới đạt yêu cầu.
Bà Hoàng Thị Hoa, tổ 7, phường Hòa Chung ( Thành phố) chia sẻ: Bánh gio là sản phẩm truyền thống của người dân ở đây, vào dịp tết hầu như nhà nào cũng tự tay gói bánh để cúng ông bà, tổ tiên. Nghề làm bánh gio phải tỉ mỉ trong từng công đoạn như ngâm lắng nước tro, ngâm gạo, rửa lá... Những năm gần đây, một số hộ đã làm bánh quanh năm để bán góp phần nâng cao thu nhập và gìn giữ nghề truyền thống.
Các công đoạn làm bánh gio cũng rất cầu kỳ, đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, cẩn thận để cho ra những chiếc bánh thơm, ngon. Đầu tiên, gạo được ngâm với nước tro qua đêm sẽ được vớt lên, rửa qua nước để bớt mùi hăng nồng của tro rồi để ráo nước. Yếu tố quan trọng quyết định độ mềm, dẻo của bánh chính là ở nước tro này. Ngoài nước gio, sự khác biệt giữa bánh gio so với các loại bánh khác có thể nói đến từ chính nguyên liệu làm bánh. Gạo để làm bánh phải là loại gạo nếp ngon, nguyên chất không được pha tạp gạo tẻ, đãi sạch, không sạn.
Lá gói bánh là lá chít hoặc dong rừng đã được tuyển chọn kỹ, lá gói chọn lá to, bánh tẻ, tước hết gân lá, đem luộc qua, lau khô. Khi gói bánh, người làm cần phải khéo léo cho gạo vào chiếc lá sao cho gọn, đều rồi quấn lá và buộc bánh sao cho thật đều. Đặc biệt, khi buộc bánh không được buộc chặt tay quá để khi luộc hạt gạo có thể nở và chín đều. Bánh gio có nhiều nơi làm, với nhiều hình dáng khác nhau còn đối với người Tày ở Cao Bằng thường gói bánh dài giống như chiếc chuôi liềm, hoặc hình khối tam giác.
Chị Lục Thị Ngọc Anh, phường Sông Bằng (Thành phố) cho biết: Ăn bánh gio vào đúng dịp Tết Đoan ngọ cực hữu ích cho sức khỏe bởi vào ngày Tết Đoan ngọ, thường ngày chúng ta thường ăn những thực phẩm giàu chất béo, nhiều đường nên dễ sinh nhiệt, khó tiêu… Trong khi bánh tro có tính mát, giúp cân bằng, điều hòa cơ thể hiệu quả, giúp ổn định sức khỏe.
Với những du khách đến đây từng một lần thưởng thức món bánh này thì chắc hẳn sẽ không bao giờ quên được hương vị dịu ngọt, thanh mát của bánh gio chấm với mật mía, pha chút vị nồng của gio từ các loại cây rừng. Anh Nguyễn Hoàng Thanh ( khách du lịch Quảng Ninh) chia sẻ: Đến Cao Bằng vào dịp này, tôi được thưởng thức món bánh gio đỏ ở đây. Ấn tượng đầu tiên của tôi là bánh có màu đỏ rất đẹp, khi ăn bánh rất mềm, dẻo, chấm cùng đường mía đặc trưng chỉ có ở vùng này vừa thơm vừa ngon. Khi về tôi đã mua bánh về làm quà và xin số điện thoại để đặt mua.
Bánh gio là thức quà giản dị, nhưng đậm chất dân tộc mang hương vị quê hương của người dân Cao Bằng. Trong dịp lễ Tết, đặc biệt là Tết Đoan Ngọ người dân nơi đây vẫn giữ gìn được các phong tục đặc sắc của dân tộc mình, trong đó có việc làm những chiếc bánh gio theo phương pháp truyền thống để ăn và cúng tổ tiên. Nếu có dịp đến với Cao Bằng, du khách hãy ghé đến thăm và thưởng thức món bánh gio truyền thống đặc sắc này để cảm nhận được và sự tinh túy trong mỗi chiếc bánh.
Tác giả bài viết: Nguyệt Anh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn