Làng nghề truyền thống rực rỡ sắc xuân

Thứ sáu - 09/02/2024 09:13
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đối mặt với những đổi thay của quá trình đô thị hóa, những làng nghề truyền thống như: làng hương, làng rèn, làng giấy bản… vẫn tồn tại. Để rồi mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân các làng nghề lại tất bật với công việc của mình để tạo ra những sản phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống của các dân tộc trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.
Nằm trên tuyến du lịch “Trải nghiệm văn hoá bản địa ở Xứ sở thần tiên”, điểm di sản làng hương, làng làm giấy bản, làng rèn thuộc Xã Phúc Sen (Quảng Hòa). Được biết đến là những làng nghề truyền thống hình thành từ lâu đời với những sản phẩm có tính độc đáo, chứa đựng hồn cốt của dân tộc, sắc màu văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, những làng nghề lại háo hức trong không khí đón Xuân. Không chỉ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động, mà còn mang đến những sản phẩm độc đáo, đặc sắc phục vụ người dân và du khách thập phương đến tham quan trải nghiệm.

Xuân về làng nghề rèn
z5061202784191 1afcf32262ec11e4276dfb4b2f393870
Bà con làng nghề rèn tất bật chuẩn bị cho ra sản phẩm.
Về làng nghề rèn xã Phúc Sen những ngày cuối năm, không khí lao động của bà con các làng nghề trong tỉnh trở nên nhộn nhịp và khẩn trương hơn. Các lò rèn nhận lượng đơn đặt hàng gấp đôi ngày bình thường nên những ngày cận tết họ càng thêm hối hả để kịp cho ra sản phẩm. Đường làng, ngõ xóm, đâu đâu cũng tràn ngập âm thanh của tiếng máy đập, hòa cùng với tiếng nói cười của những người thợ rèn.
Quy trình rèn thủ công phải qua nhiều công đoạn. Đây là công việc nặng nhọc cần có sự hỗ trợ lẫn nhau, một lò rèn thường có 2 - 3 thợ cùng rèn, trong đó có thợ cả và các thợ phụ. Mỗi lò rèn cứ thế phối hợp ăn ý với nhau. Trong làng các lò rèn luôn đỏ lửa, người lao động gần như làm việc cả ngày lẫn đêm; ngoài đường làng xe ô tô, xe máy chở nguyên liệu phục vụ sản xuất, xe vào lấy hàng đi tiêu thụ ra vào tấp nập
Anh Lương Thanh Tùng, xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Hoà) chia sẻ: Năm nào cũng vậy, tết là thời điểm khách đặt hàng với số lượng lớn để phục vụ cho gia đình hoặc mang đi biếu, tặng. Do vậy, gần một tháng nay gia đình tôi phải tranh thủ làm để kịp giao sản phẩm cho khách. Song, không vì thế mà làm qua loa. Bởi, đây là sản phẩm truyền thống đòi hỏi sự tỉ mỉ, chất lượng cao nên phải tập trung để có được sản phẩm ưng ý và cũng để giữ mối với khách”.
z5061202769762 7e4daba53b11f12618d4f8a18de92cfb
Mỗi sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ.

Sắc xuân làng nghề làm hương

Về làng nghề hương Phja Thắp (xã Phúc Sen) trong ánh nắng dịu dàng hiếm hoi của tiết trời mùa đông. Chạm chân đến con đường đầu làng đã cảm nhận mùi hương dịu ngọt của nguyên liệu làm hương xen lẫn hương thơm của những que hương còn ướt đang nằm thẳng hàng trên các giá phơi bằng tre nứa. Tiếng chim hót lanh lảnh, xen lẫn những bước chân hối hả của những người thợ chuyển hương ra phơi tạo thêm âm sắc vui nhộn của làng nghề vào vụ Tết. Những ngày này, không khí lao động của Làng nghề làm hương càng nhộn nhịp như dồn mọi tâm sức để sản phẩm của làng có mặt trong nhiều gia đình khi Tết đến, Xuân về.
z5058301238552 abd0020ae4fc7a67d331a09c05273965
Làng nghề hương truyền thống là nghề mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã Phúc Sen.
Là một trong những làng nghề truyền thống, mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã, làng nghề làm hương đã đáp ứng nhu cầu của đời sống tâm linh và ngày càng phát triển mạnh mẽ, có sự ổn định và tăng trưởng nhanh. Nghề làm hương đã gìn giữ và tạo điều kiện phát triển nghề truyền thống trên địa bàn xã, giải quyết việc làm cho lao động tại đia phương. Hiện nay làng Phja Thắp có 48 hộ làm hương thắp, thu nhập từ làm hương chiếm đến 50% tổng thu nhập của hộ gia đình. Từ làm hương thắp các hộ dân ở làng còn mở rộng thêm cách dịch vụ kinh doanh homestay, ăn uống,… có thêm nguồn thu nhập ổn định, kinh tế gia đình phát triển, nhiều hộ có thu nhập hàng năm trên 90 triệu đồng/năm.
z5061457591632 5cace05a19615727e0413cb757f0d28a
Sắc xuân làng nghề làm hương.

Làng nghề giấy bản vào xuân

Còn với làng nghề làm giấy bản Dìa trên, mặc dù chỉ còn vài chục hộ duy trì, nhưng mỗi khi vào dịp cuối năm, người dân nơi đây lại tất bật sản xuất những sản phẩm truyền thống, tạo nên không khí hối hả chuẩn bị đón xuân. Thông qua các thương lái, những sản phẩm của bà con không chỉ đến tay người tiêu dùng trong tỉnh mà còn được bán ra các tỉnh, thành lân cận.
z5058315231208 fa8fac4ed06dc65ae14b778a4f7f2e9f
Người dân làng giấy bản tất bật sản xuất những sản phẩm truyền thống, tạo nên không khí hối hả chuẩn bị đón xuân.
Chị Nông Thị Kính, một người vẫn còn giữ nghề làm giấy bản tại xóm Dìa Trên chia sẻ: Với đặc tính xốp, nhẹ, giấy dai, bền bỉ với thời gian lại được làm bởi nguyên liệu tự nhiên sẵn có, không gây hại môi trường nên sản phẩm làm ra rất dễ bán. Giấy Bản đã trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của xã Phúc Sen, được sử dụng phổ biến trong đời sống tâm linh như thờ cúng tổ tiên, cấp Sắc; dùng để viết chữ hoặc sử dụng vào mục đích khác như thay thế giấy ăn. Đặc biệt, khi đốt (hóa vàng), giấy Bản rất ít tàn và dễ bay hơn so với giấy vàng mã thông thường. Hơn nữa, với phương pháp sản xuất thủ công và không sử dụng hóa chất nên giấy Bản thân thiện với môi trường, không gây hại đến sức khỏe người sử dụng.

Nhờ có hướng đi phù hợp, các làng nghề trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định, đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa đó cấu thành bản sắc văn hóa hết sức độc đáo, thu hút sự tham quan, tìm hiểu của người dân cũng như du khách. Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững có sự tham gia đầy đủ của cộng đồng các dân tộc, tỉnh Cao Bằng chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Để qua đó, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tạo cơ hội cho du khách đến trải nghiệm và thưởng thức.
z5058315180789 5533127d2e426a1585f6d8e10e72068a
Một mùa xuân mới lại về mang theo bao niềm vui và cả những trăn trở của người dân làng nghề.
Một mùa xuân mới lại về mang theo bao niềm vui và cả những trăn trở của người dân làng nghề. Để giữ nghề và sản phẩm của làng nghề được tiến xa hơn nữa thì không chỉ cần đôi bàn tay khéo léo, niềm đam mê sáng tạo, mà họ cũng cần có thêm sự hỗ trợ về vốn, tạo thương hiệu, liên kết sản xuất… Đây sẽ là hành trang giúp các làng nghề tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.

Tác giả bài viết: Nguyệt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây