Đối tác là một mắt xích vô cùng quan trọng của việc xây dựng và phát triển CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Trong 4 năm qua, BQL CVĐC phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương tập trung thiết lập, mở rộng hệ thống đối tác. Nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc quảng bá thương hiệu, chú trọng uy tín, chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có 45 đối tác CVĐC. Đối tác CVĐC được tư vấn, hỗ trợ trong công tác bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch và cải thiện sinh kế cho người dân; giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng truyền thông, sự kiện du lịch, sự kiện mạng lưới CVĐC trong nước và khu vực…
Tham gia vào hệ thống đối tác chính là việc các đơn vị đối tác đã đặt mình vào vị trí cao hơn, có sự bảo lãnh thương hiệu sản phẩm của CVĐC. Do đó, các đơn vị đối tác phải cam kết chất lượng, giá cả, dịch vụ ổn định; thực hiện nghiêm túc các tiêu chí, tiêu chuẩn theo lĩnh vực ngành nghề kinh doanh được cấp phép. Đảm bảo tính chuyên nghiệp, cạnh tranh công bằng, lành mạnh, khoa học và văn minh; có sự kết nối, giúp đỡ lẫn nhau để ngày càng hoàn thiện hoạt động kinh doanh, dịch vụ; góp phần đưa nét đẹp văn hóa, lịch sử và giá trị di sản địa chất, địa mạo CVĐC Non nước Cao Bằng đến gần hơn với du khách.
Ngoài chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tham quan nội bộ, BQL CVĐC tổ chức những chuyến đi thực tế ngoài tỉnh nhằm mở mang tư duy, tạo thêm nhiều ý tưởng mới, nguồn động lực mới cho những người làm du lịch. Năm 2022, các đối tác CVĐC Non nước Cao Bằng được khảo sát, học tập kinh nghiệm triển khai hoạt động du lịch gắn kết, chia sẻ lợi ích trong cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường tại các cơ sở đối tác của CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Thông qua chương trình, bước đầu tạo nền tảng cho các hoạt động kết nối giữa 2 CVĐC; góp phần thực hiện tiêu chí đối với CVĐC về tăng cường hợp tác, trao đổi giữa các CVĐC toàn cầu UNESCO, phát triển mạng lưới đối tác có chất lượng trong phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn các giá trị di sản vùng CVĐC.
Năm 2023, BQL CVĐC Non nước Cao Bằng tiếp tục đưa các đối tác là các chủ nhà hàng, khách sạn, homestay, đơn vị lữ hành, người dân tại các làng nghề… tham gia học tập trải nghiệm tại Hà Nội và Hòa Bình. Đến thăm làng giấy dó xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình), các thành viên đối tác được nghệ nhân Nguyễn Xuân Chúc chia sẻ kỹ thuật sản xuất giấy chất lượng và cách xeo giấy khổ lớn. Anh Nông Văn Thành, làng giấy bản Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) chia sẻ: Chúng tôi được thực hành xeo giấy dó và trao đổi về cách làm thủ công của làng mình. So với sản phẩm giấy dó ở đây chất lượng cũng tương đương, tuy nhiên khổ giấy bản Dìa Trên nhỏ hơn nhiều.
Tháng 4/2024, BQL CVĐC Non nước Cao Bằng cũng đã tổ chức triển khai hoạt động học tập kinh nghiệm về công tác bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững và du lịch cộng đồng cho gần 50 đại diện đối tác CVĐC và người dân sinh sống tại các điểm di sản CVĐC Non nước Cao Bằng trên địa bàn hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Đoàn học tập kinh nghiệm tại các điểm di sản: Làng du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (Lai Châu), bản Lao Chải 1 (Lào Cai), làng du lịch cộng đồng Nghĩa Đô (Lào Cai),… Tại các điểm đến học tập kinh nghiệm, các đại diện đối tác CVĐC và người dân được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Ban quản lý các Bản du lịch cộng đồng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với mục tiêu phát triển du lịch bền vững; học tập việc triển khai các hoạt động chia sẻ lợi ích cộng đồng, ứng xử và bảo vệ không gian văn hóa truyền thống; công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch tại địa phương; công tác bảo vệ môi trường xử lý rác thải; kỹ năng đón tiếp khách tham quan du lịch; chia sẻ kinh nghiệm về việc đa dạng hóa các sản phẩm thủ công truyền thống để góp phần cải thiện sinh kế cho bà con địa phương…
Theo kế hoạch, mỗi năm, BQL CVĐC Non nước Cao Bằng sẽ tổ chức ít nhất 1 chuyến học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn, tăng cường kết nối người dân với các đơn vị kinh doanh du lịch ngoài tỉnh. Năm 2024, BQL CVĐC Non nước Cao Bằng dự kiến xây dựng chương trình tập huấn một số làng nghề truyền thống, làng du lịch cộng đồng, hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh nghề thủ công truyền thống trên địa bàn hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai về công tác bảo tồn làng nghề truyền thống, phát huy làng du lịch cộng đồng từ đó góp phần thúc đẩy du lịch bền vững, phát huy giá trị di sản CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Nguồn tin: Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn