Phát huy các giá trị di sản trong vùng Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng gắn với phát triển du lịch bền vững

Thứ ba - 09/04/2019 00:53
Phát huy các giá trị di sản trong vùng Công viên địa chất (CVĐC)  toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng gắn với phát triển du lịch bền vững

                    Nằm ở phía Bắc địa đầu Tổ quốc, CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được thành lập theo Quyết định số 2498/QĐ-UBND ngày 22/12/2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, thuộc phạm vi gồm 6 huyện: Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An, với diện tích khoảng 3.072 km2, trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo trong đó có nhiều điểm di sản có ý nghĩa giá trị quốc tế. Với trên 200 hang động trong đó khoảng trên 30 hang, động đẹp có tiềm năng khai thác phục vụ du lịch. Hệ động - thực vật đa dạng cả về giống loài và loài quý hiếm, có rất nhiều giống loài trong khu vực có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007); 34 loại nguồn gen vật nuôi, cây trồng đặc sản nổi tiếng; 09 khu bảo tồn hoặc rừng đặc dụng, trong đó có 06 khu bảo vệ cảnh quan, 02 khu bảo tồn loài sinh cảnh và 01 vườn Quốc gia. Đặc biệt, danh thắng thác Bản Giốc được nhiều tạp chí, hãng truyền thông vinh danh là thác lớn thứ 04 thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia; là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á.

                 Cao Bằng tự hào là vùng đất cổ có bề dày lịch sử, văn hóa, đến nay toàn tỉnh có 214 di tích, trong đó 90 di tích đã được xếp hạng, bao gồm: 03 di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt (Khu di tích Pác Bó, huyện Hà Quảng; Rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình; Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950, huyện Thạch An) và 23 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 64 di tích xếp hạng cấp tỉnh; có 01 bảo vật Quốc gia là Đôi chuông Chùa Viên Minh và Đền Quan Triều, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng.

              Ngoài ra, địa phương còn nổi tiếng với nhiều đặc sản, đặc trưng với văn hóa ẩm thực độc đáo như: Miến dong Phja Đén (Nguyên Bình), quả Lê và sản phẩm thạch đen (Thạch An), hạt Dẻ và thạch trắng (Trùng Khánh), bánh Khẩu Sli Nà Giàng (Hà Quảng); bánh Cuốn, phở Chua, bánh Coóng phù, bánh Khảo, vịt quay, trà Giảo cổ lam, Hà thủ ô đỏ... Lê Đông Khê lọt vào Top 50 trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam năm 2012. Bánh Coóng phù Cao Bằng lọt vào Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam năm 2015.

             Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng gắn với phát triển du lịch bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, các di sản được bảo tồn và khai thác vừa phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vừa bảo vệ được môi trường, bảo tồn được thiên nhiên, lại sử dụng hợp lý tổng thể mọi dạng tài nguyên, mọi giá trị di sản, giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời sẽ xây dựng, phát triển và phát huy hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Ngày 29/4/2016, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Chương trình số 10-CTr/TU về Phát triển Du lịch giai đoạn 2016 – 2020, đồng thời tập trung triển khai Đề án thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016-2020.

           Với 3 tuyến tham quan phục vụ du khách: Tuyến số 1, tuyến phía Bắc (các huyện Hòa An, Hà Quảng)  “Hành trình về nguồn cội”; Tuyến số 2, tuyến phía Tây (huyện Nguyên Bình) “Khám phá Phja Oắc- vùng núi của những thay đổi”; Tuyến số 3, tuyến phía Đông (các huyện Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Hạ Lang và Trùng Khánh) “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”.

           Các hệ thống cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ đồng đều trên 03 tuyến như: Trung tâm thông tin tuyên truyền CVĐC, bãi đỗ xe (P), hệ thống biển báo (SP), Biển thuyết minh tại điểm di sản (IP); các hệ thống biển Pano quảng bá (A/E)… cùng với hệ thống trên 20 thành viên đối tác CVĐC (nhà hàng, khách sạn, Homestay, Hợp tác xã làng nghề truyền thống (In hoa văn sáp ong đồng bào Dao tiền – Nguyên Bình; Làng nghề làm hương – Phia Thắp, Làng Rèn…), cùng với chuỗi sản phẩm CVĐC phong phú đã dần khẳng định thương hiệu như: Miến Dong (Nguyên Bình), Chè Kolia (Phja Đén), Chè Giảo cổ lam... đã đã dần tạo ra những sản phẩm du lịch rõ nét, đậm đà bản sắc, thu hút khách du lịch; đồng thời tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương; gia tăng nhận thức về môi trường địa chất cho người dân; bảo tồn di sản địa chất, bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ... gắn với phát triển kinh tế xã hội bền vững.

            Công tác xây dựng các ấn phẩm tuyên truyền phục vụ quảng bá hình ảnh CVĐC non nước Cao Bằng trong và ngoài nước luôn được tỉnh quan tâm tăng cường, cụ thể: Trong năm 2018 đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam biên tập, phát hành 04 bản tin về CVĐC, 03 quyển sách hướng dẫn du lịch (Guide book), phát hành tờ rơi, bản đồ của 03 tuyến du lịch địa chất non nước Cao Bằng phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh CVĐC non nước Cao Bằng tại các khu, điểm du lịch Cao Bằng; các đối tác CVĐC, các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn trong tỉnh; các Hội nghị về CVĐC; Hội chợ quảng bá về CVĐC trong và ngoài nước; đẩy mạnh các hoạt động phát hành truyền thông trên Bưu thiếp (gồm 30.000 maquette demo có mô hình dịch vụ; 50.000 phong bì thư có hình ảnh CVĐC non nước Cao Bằng; 25.000 truyền thông trên thư và bưu gửi trên mạng lưới Bưu điện có mô hình dịch vụ (maquette demo), góp phần đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh CVĐC non nước Cao Bằng và du lịch Cao Bằng tới các du khách trong nước và quốc tế;

 

Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về Công viên địa chất và di sản địa chất; năm 2018, phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục năng cao nhận thức CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng trong các trường học; Tổng cục du lịch mở lớp tập huấn Hướng dẫn viên tại điểm cho hơn 55 cán bộ viên chức thuộc các phòng văn hóa, thông tin các huyện, thành phố, các hướng dẫn viên tại các khu điểm du lịch, đối tác CVĐC; đồng thời, chủ động phối hợp với UBND các huyện trong vùng CVĐC tổ chức 07 lớp tập huấn về nâng cao nhận thức di sản địa chất và Công viên địa chất cho khoảng 800 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch tại địa phương.

            Nhằm đáp ứng theo tiêu chí của UNESCO về công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu và phát triển ngày càng bền vững, trong thời gian tới Cao Bằng tiếp tục nỗ lực thực hiện các hạng mục: Hoàn thiện các biển bảng thuyết minh, quảng bá, biển thông tin, biển đối tác, biển chỉ dẫn các điểm di sản trên 3 tuyến du lịch; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức các thuyết minh viên, hướng dẫn viên và người dân; phát triển hệ thống đối tác, các hoạt động tuyên truyền trong trường học; xây dựng và phát triển kho dữ liệu thông tin phong phú, đa dạng gồm: Clip, phim ngắn, hình ảnh, tin, bài viết, các trang báo mạng, facebook, ứng dụng du lịch thông minh; phối hợp xây dựng các bài thuyết minh (câu chyện kể về nguồn gốc xuất xứ, hoàn cảnh ra đời, gắn với bối cảnh lịch sử, kết hợp với những câu chuyện truyền thuyết dân gian về tình yêu thương của con người…. ); tăng cường công tác quy hoạch các sản phẩm nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp truyền thống tạo thương hiệu và phát triển hệ thống sản phẩm CVĐC phục vụ du lịch; tăng cường công tác xúc tiến giới thiệu quảng bá CVĐC Non nước Cao Bằng mở rộng thị trường khách quốc tế, đẩy mạnh hoạt động hợp tác - kết nghĩa với CVĐC toàn cầu Haute – Provonce của Pháp đã ký kết năm 2018; tiếp tục ký kết hợp tác với CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, CVĐC toàn cầu Lạc Nghiệp (Quảng Tây, Trung Quốc), CVĐC toàn cầu Chức Kim Động (tỉnh Quý Châu, Trung Quốc) và các CVĐC tiềm năng của Việt Nam; tích cực tham gia các hoạt động, giới thiệu CVĐC non nước Cao Bằng đến mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, chia sẻ, học tập kinh nghiệm về bảo tồn và phát triển, phát huy giá trị mô hình CVĐC vào phát triển bền vững.

          Cùng với các giải pháp đồng bộ và sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân tỉnh Cao Bằng, trong thời gian tới, Cao Bằng sẽ chú trọng đầu tư hoàn thiện các hệ thống cơ sở vật chất tại các điểm tham quan du lịch trong vùng CVĐC; đẩy mạnh phát triển hệ thống đối tác, các sản phẩm du lịch gắn logo CVĐC theo các tiêu chí của CVĐC toàn cầu UNESCO; định hướng thành lập các mô hình hợp tác xã cung cấp dịch vụ du lịch gắn với quảng bá CVĐC non nước Cao Bằng; tập trung đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ phát triển các mô hình Hợp tác xã sản xuất, bảo tồn nghề truyền thống đảm bảo theo chất lượng, tiêu chuẩn, cung ứng sản phẩm cho khách du lịch đến tìm hiểu, tham quan, trải nghiệm hướng tới mục tiêu tạo thương hiệu du lịch Cao Bằng, với những đặc trưng riêng biệt, sản phẩm du lịch đa dạng có sức cạnh tranh cao và đưa du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh./.

Nguồn tin: P.V

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây