Giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng là một trong những hoạt động thiết yếu trong việc xây dựng và phát huy giá trị của danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO. Các Ban quản lý CVĐC cần phải xây dựng và triển khai các hoạt động giáo dục để tuyên truyền cho người dân hiểu về những giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa và giá trị đa đạng sinh học Bên cạnh đó nội dung những hoạt động giáo dục của CVĐC cũng bao gồm những hoạt động giáo dục về kiến thức xã hội và giáo dục chuyên nghiệp cho học sinh, sinh viên, và các thành viên khác trong cộng đồng.
Các CVĐC toàn cầu có thể đóng góp cho hoạt động giáo dục chính quy và phi chính quy thông qua việc chia sẻ những kiến thức về khoa học, lịch sử, văn hóa, địa chất, các kỹ năng và các giá trị với du khách thuộc các lứa tuổi. Nói cách khác, CVĐC là nơi trung tâm giáo dục không chính quy để đem đến cho du khách những trải nghiệm với nhiều kiến thức thú vị và qua đó giúp họ có ý thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa. Các CVĐC cũng cần phải đầu tư hệ thống hạ tầng cơ bản tại những điểm di sản một cách thân thiện với môi trường để giảm thiểu tối đa tác động tới môi trường cùng với những phương án bảo tồn di sản thiên nhiên và di sản địa chất cho thế hệ tương lai. Ngoài ra, CVĐC cũng có thể có chức năng như một phòng thí nghiệm ngoài trời phục vụ hoạt động giáo dục chính quy và không chính quy cũng như các hoạt động nghiên cứu của học sinh và sinh viên. Các hoạt động giáo dục này có thể giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng xã hội của học sinh, sinh viên, qua đó đóng gópgián tiếp và tích cực cho sự phát triển của xã hội.
Các nội dung hoạt động về giáo dục không chính quy cũng khá phổ biến tại các CVĐC. Triển lãm tại các Trung tâm thông tin của các CVĐC và các bảo tàng thông thường sẽ giúp du khách trải nghiệm và hiểu được lịch sử phát triển của trái đất và các hệ thống các hình ảnh, bảng biển giới thiệu về lịch sử địa chất, tự nhiên, khảo cổ học và văn hóa cùng với một số tài liệu truyền thông khác ví dụ như tờ rơi, bản đồ và sách hướng dẫn. Ví dụ, hiện nay CVĐC Non nước Cao Bằng xây dựng hệ thống biển dọc các tuyến đường tới những điểm du lịch trọng điểm trong tỉnh để cung cấp thông tin cho du khách về lịch sử, văn hóa bản địa, lịch sử địa chất hình thành của khu vực. CVĐC Terra Vita, Đức sử dụng trò chơi công nghệ cao về tìm kiếm hóa thạch địa chất để khuyến khích học sinh và sinh viên tìm hiều về địa chất và cảnh quan.
Thông qua việc nhấn mạnh vào tính độc đáo của những di sản địa chất, các CVĐC có thể thu hút sự quan tâm của những du khách muốn hiểu thêm về văn hóa bản địa, địa chất và địa mạo của một khu vực. Để thu hút được sự quan tâm của du khách đòi hỏi các CVĐC cần phải xây dựng các trang web cung cấp thông tin chi tiết về địa chất và địa mạo, và việc cung cấp các tài liệu truyền thông như tờ rơi, sách hướng dẫn, biển thuyết minh di sản tại điểm sẽ giúp du khách du khách hiểu rõ về giá trị của những điểm di sản (du lịch địa chất). Những du khách trải nghiệm theo hình thức này cũng sẽ hiểu được ý nghĩa và giá trị của điểm di sản trong một bối cảnh rộng hơn thông qua việc khám phá các điểm di sản trong các tuyến trải nghiệm dựa trên hướng dẫn trong bản đồ di sản và biển chỉ dẫn. Ví dụ, CVĐC Non nước Cao Bằng đã xây dựng được một hệ thống biển chỉ dẫn điểm di sản để du khách có thể tự mình khám phá trải nghiệm CVĐC. CVĐC Sobrarbe, Tây Ba Nha, xây dựng tuyến trải nghiệm bằng xe đạp cho du khách muốn khám phá lịch sử địa chất của khu vực. Mặc dù những điểm di sản này sẽ rất thú vị đối với những du khách muốn khám phá về địa chất và văn hóa bản địa, những du khách khác khi tới điểm di sản cũng sẽ cảm thấy ấn tượng khi họ biết được rằng họ đang đứng tại điểm di sản không những có phong cảnh đẹp mà trước đây về góc độ địa chất điểm di sản này có thể nằm ở một vĩ độ khác và từng trải qua điều kiện thời tiết và môi trường khắc nghiệt, sự biến động và kiến tạo về địa chất và có thể điểm này đã từng nằm dưới bề mặt trái đất hàng km…
Ngoài việc xây dựng những nội dung trải nghiệm cho du khách quan tâm đến địa chất, các CVĐC còn xây dựng nhiều nội dung trải nghiệm cho các đối tượng du khách quan tâm tới du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, khảo cổ học và di sản mỏ. Để phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu và khám phá những điểm di sản như vậy, các CVĐC cũng sẽ xây dựng những mô hình, mẫu vật, những tờ rơi theo chủ đề, biển thuyết minh…Những điểm di sản dọc các tuyến trải nghiệm của CVĐC Non nước Cao Bằng có đầy đủ các chủ đề và du khách có thể lựa chọn khám phá theo sở thích của mình.
Đối với hoạt động giáo dục chính quy, CVĐC có thể là điểm trải nghiệm thực địa cho các môn học tại trường học và trường đại học trong đó có yêu cầu về trải nghiệm thực địa. CVĐC cũng có thể cung cấp những tài liệu và dịch vụ cho giáo viên và cũng có thể thực hiện chức năng như trung tâm giáo dục về kỹ năng và hướng nghiệp. Ví dụ, hiện nay trường Đại học Cardiff sử dụng CVĐC Forest Fawr, xứ Wale để đào tạo sinh viên về Khoa học địa chất và môi trường về lập bản đồ địa chất và phân tích chất lượng nước tại các dòng sông và suối. Một CVĐC khác ở CHLB Đức hiện này cũng có Chương trình phát triển kỹ năng cho học sinh và sinh viên thông qua việc học sinh, sinh viên tự lựa chọn một vài điểm di sản địa chất và sau các học sinh và sinh viên này sẽ xây dựng nội dung và thiết kế biển bảng cho những điểm di sản này. Đây là ví dụ về những hoạt động mà học sinh, sinh viên có thể phát triển những kỹ năng thông qua việc trải nghiệm, nghiên cứu và thu thập dữ liệu và sự phối hợp với giáo viên, giảng viên cũng như cộng đồng dân cư sinh sống gần điểm di sản. Ngoài ra, CVĐC cũng có thể là nơi giúp cộng đồng hiểu về rủi ro thiên tai trong vùng CVĐC. Tại Bồ Đào Nha, các khái niệm về di sản địa chất được lồng ghép trong các chương trình đào tạo tại trường và các Mô đun về bảo tồn địa chất được giới thiệu trong các bậc học đại học tại một số trường đại học. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu về tầm quan trọng của việc tái tạo và khai thác nguồn nước ngầm cũng có thể là những chủ đề hấp dẫn để học sinh, sinh viên nghiên cứu về giáo dục môi trường.
Việc xây dựng và phát triển CVĐC ngoài mục đích bảo tồn và phát triển du lịch phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cùng còn có chức năng giáo dục, đào tạo kỹ năng cho học sinh, sinh viên, cộng đồng dân cư thuộc các lứa tuổi. Điều này được thể hiện qua những nỗ lực xây dựng những tuyến trải nghiệm chứa đựng nhiều thông tin thú vị và lôi cuốn đối với du khách, và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của du khách cũng như nhu cầu nghiên cứu, học tập nâng cao kiến thức của học sinh, sinh viên. Do vậy, Để phát huy hơn nữa hiệu quả của mô hình CVĐC toàn cầu UNESCO trong thời gian tới thì sự hợp tác giữa Ban quản lý CVĐC với các đơn vị tổ chức tour, các cơ sở đào tạo chính quy và các trường học trên địa bàn là cần thiết.
Nguồn tin: Trần Thùy
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn