Tham gia chương trình tập huấn có đại diện của Zó project (doanh nghiệp xã hội bảo tồn và phát triển giấy Dó truyền thống), các nghệ nhân làng nghề giấy Dó Bắc Ninh, và 64 hộ gia đình xóm Dìa Trên.
Tại lớp tập huấn, bà con đã được thông tin về các hoạt động đã và sẽ triển khai tại làng giấy bản Dìa Trên theo định hướng bảo tồn nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững của Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng, thông tin cơ bản của đơn vị Zó project, nhu cầu, mục đích, tiềm năng hợp tác giữa Zó project với làng giấy bản Dìa Trên, giới thiệu một số mẫu quà tặng lưu niệm làm từ giấy bản và giấy Dó phục vụ khách du lịch do đơn vị Zó project sản xuất mà các hộ ở Dìa Trên có triển khai thử nghiệm. Các bên đã trao đổi những nội dung liên quan đến cải tiến chất lượng sản phẩm giấy bản, định hướng phát triển nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất; kế hoạch sản xuất để có thể cung cấp giấy bản của xóm Dìa Trên cho đơn vị Zo Project để đưa ra thị trường trong nước và trên thế giới; và định hướng phát triển nguồn nguyên liệu, phương thức hợp tác giữa đơn vị Zó project và các hộ dân làm giấy bản xóm Dìa Trên.
Ngoài ra, trong chương trình tập huấn, bà con xóm Dìa Trên đã được nghệ nhân Nguyễn Thị Độ, nghệ nhân làng giấy Dó Bắc Ninh hướng dẫn thực hành kỹ thuật seo giấy chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chất lượng giấy (kích thước, độ mịn, độ dày,…) để xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước.
Trước đó, từ ngày 29/3 – 1/4/ 2023, Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng đã tổ chức triển khai hoạt động học tập kinh nghiệm trong công tác bảo tồn các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch cộng đồng cho đại diện các hộ gia đình làng làm giấy bản Dìa Trên, các đối tác tiềm năng và chính thức của CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tại một số làng nghề truyền thống gắn với các hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn Thành phố Hà Nội và tỉnh Hoà Bình.
Làng làm giấy bản xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen hiện nay có 64 hộ gia đình, 100% là người Nùng An, sản xuất nông nghiệp là hoạt động kinh tế chính. Khi nông nhàn, bà con sản xuất giấy bản, tuy nhiên thu nhập mang lại từ nghề chưa cao do sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu tâm linh, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh. Nhận thấy sự cần thiết bảo tồn và phát huy nghề truyền thống tại Dìa Trên, từ năm 2020, Ban quản lý CVĐC đã tiến hành khảo sát, thu thập thông tin, đưa Dìa Trên trở thành một điểm di sản trong vùng CVĐC, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn định hướng các hoạt động bảo tồn nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch tại Dìa Trên, kết nối các đối tác trong mạng lưới đối tác CVĐC hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm giấy bản. Trong thời gian tới, Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con xóm Dìa Trên trong các hoạt động tìm đầu ra cho sản phẩm giấy bản, kỹ năng hướng dẫn, đón tiếp khách tham quan, du lịch trải nghiệm làng nghề…
Các hoạt động triển khai tại làng giấy bản Dìa Trên nằm trong chương trình hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu bảo tồn các giá trị di sản văn hoá, tri thức bản địa trong vùng CVĐC, phát triển sinh kế cho người dân địa phương và phát triểndu lịch bền vững của CVĐC Non nước Cao Bằng theo các tiêu chí CVĐC toàn cầu UNESCO.
Bên cạnh chương trình làm việc tại xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hoà, sáng ngày 27/4, Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng và công ty Zó project đã làm việc với đại diện hộ gia đình làm hương tại làng hương Phja Thắp, trao đổi về định hướng đa dạng hoá các sản phẩm, mẫu mã, bao bì sản phẩm hương Phja Thắp trong thời gian tới.Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn