Một trong những hoạt động trọng tâm trong năm 2022 đối với CVĐC Non nước Cao Bằng là nhiệm vụ tái thẩm định danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO vào tháng 8/2022. Sau khi khảo sát thực địa các tuyến trải nghiệm CVĐC, đánh giá sơ bộ các công tác xây dựng và phát huy cơ sở vật chất tại các điểm di sản, công tác bảo tồn, giáo dục về CVĐC, sự tham gia của cộng đồng địa phương…, đoàn chuyên gia UNESCO đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh và sự phối hợp của các Sở, ban, ngành, các địa phương trong công tác xây dựng và phát triển CVĐC Non nước Cao Bằng, khẳng định Cao Bằng đang có những mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác xây dựng và phát triển CVĐC đặc biệt là đối với công tác phát triển sản phẩm địa phương và mô hình câu lạc bộ “Cùng em khám phá CVĐC”.
Đối với các hoạt động hợp tác quốc tế, Ban quản lý CVĐC luôn tích cực tham gia các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực và quốc tế như các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các lớp tập huấn… Nổi bật, trong năm 2022, Ban quản lý CVĐC đã tham mưu cho UBND tỉnh và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành lập đoàn công tác tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 7 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Thái Lan. Tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ chương trình Hội nghị, báo cáo chuyên đề tại Hội nghị. Đặc biệt, Đoàn công tác tỉnh thành công bảo vệ Hồ sơ vận động tranh cử đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO lần thứ 8 của Khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2024 tại tỉnh Cao Bằng. Hội nghị được tổ chức tại Cao Bằng sẽ là dịp để tỉnh Cao Bằng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng và phát triển, phát huy giá trị mô hình CVĐC với các nước trên thế giới, tăng cường công tác quảng bá hình ảnh du lịch Cao Bằng tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, khát vọng tạo thương hiệu du lịch Cao Bằng, cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, chương trình hành động của tỉnh mở ra cho du lịch Cao Bằng nhiều cơ hội mới, đem đến những đóng góp rất tích cực, hiệu quả đột phá cho ngành du lịch của địa phương, từng bước vững chắc hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong năm, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch non nước Cao Bằng trên các mạng xã hội Website, Facebook, Instagram. Triển khai hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, in ấn, xuất bản các tài liệu tuyên truyền quảng bá về CVĐC Non nước Cao Bằng, thiết kế mới, in ấn bổ sung tài liệu hướng dẫn 3 tuyến và Tờ rơi 3 tuyến du lịch CVĐC toàn cầu UNESCO. Trên 3 tuyến du lịch trải nghiệm CVĐC, Ban quản lý đã triển khai các công trình Check-in, giới thiệu các điểm di sản địa chất vùng công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; nâng cấp các trung tâm thông tin, trưng bày phục vụ khách du lịch. Hiện Ban quản lý hoàn thiện xây dựng cơ sở vật chất tuyến du lịch thứ 4 và phối hợp với Ban quản lý CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) khảo sát thực địa, đánh giá các điểm di sản có giá trị địa chất, cảnh quan, văn hóa, lịch sử xây dựng tuyến du lịch thứ năm kết nối giữa hai CVĐC.
Công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng luôn được thực hiện đúng theo các tiêu chí cũng như theo khuyến nghị của chuyên gia UNESCO. Trong năm 2022, CVĐC Non nước Cao Bằng tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức triển các lớp tuyên truyền và tập huấn nâng cao nhận thức về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và lập kế hoạch phát triển du lịch có sự tham gia trên địa bàn các huyện trong vùng CVĐC, tập huấn cho thuyết minh viên tiếng Anh phục vụ tái thẩm định, tập huấn kỹ năng nấu ăn cho các đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch cộng đồng trong vùng CVĐC…
Đối với công tác giáo dục về CVĐC trong trường học, tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình câu lạc bộ “Cùng em khám phá CVĐC” trong các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về CVĐC trong trường học. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Cuộc thi “Sáng kiến bảo vệ môi trường trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng năm 2022” với 66 sáng kiến tham gia dự thi, trong đó cấp THCS có 48 sáng kiến, cấp THPT có 18 sáng kiến dự thi.
Bên cạnh đó, Ban quản lý CVĐC đã và đang triển khai các hoạt động bảo tồn gắn với cải thiện sinh kế cho người dân, và hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Điển hình như việc hướng dẫn, hỗ trợ bà con làng làm giấy bản Dìa Trên đa dạng hoá các sản phẩm làm từ giấy bản truyền thống, tìm hướng đi mới cho việc bảo tồn nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch; phát triển du lịch bao trùm, có sự tham gia tại làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh dựa trên nền tảng CVĐC toàn cầu UNESCO, thông qua việc định hướng thành lập ban giám sát phát triển du lịch cộng đồng, định hướng các hoạt động địa phương hoá sản xuất lương thực thực phẩm, cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, kiến trúc truyền thống, xử lý rác thải tại nguồn…; khảo sát xây dựng mô hình nông nghiệp thân thiện với môi trường gắn với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững tại xóm Háng Thoang, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh.
Trong công tác xây dựng và phát triển CVĐC, Ban quản lý CVĐC chú trọng phát triển Mạng lưới đối tác CVĐC bao gồm các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng, làng nghề…nhằm tạo môi trường thúc đẩy cho cộng đồng địa phương phát triển. Ban quản lý thường xuyên kết nối các đối tác trong mạng lưới, đào tạo nâng cao năng lực và học tập kinh nghiệm như tổ chức chương trình khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng bền vững, đảm bảo chia sẽ lợi ích cộng đồng cho đại diện 30 đơn vị đối tác tại CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn