Hội nghị ISV là một hoạt động quan trọng nhất của Hiệp hội Hang động Quốc tế và Ủy ban Hang động núi lửa (UIS-CVC) được tổ chức 2 năm một lần, nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi các thông tin, kết quả nghiên cứu và kết nối các thành viên trong lĩnh vực này. Hội nghị ISV lần đầu tiên được tổ chức tại quần đảo Hawaii vào năm 1972. Các quốc gia đã đăng cai ISV gồm: Ecuador, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Jordan, Australia, Iceland và Mỹ; Ý.
Hội nghị lần thứ 20 với chủ đề: "Bảo tồn và phát triển bền vững các núi lửa và hang động núi lửa" do UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT), Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức. Thông qua 03 phiên hội thảo chuyên đề: Chuyên đề 1: Địa chất/Địa mạo/Quá trình hình thành núi lửa/Báo cáo khảo sát hang động và dữ liệu; Chuyên đề 2: Sử dụng hang động/Sinh học trong hang/Quá trình hình thành núi lửa/Địa chất/Quản lý và bảo vệ hang động; Chuyên đề 3: Địa chất/Báo cáo khảo sát hang động và dữ liệu/Quản lý và bảo vệ hang động, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận nhiều nội dung liên quan đến bảo tồn, phát triển bền vững các núi lửa và hang động núi lửa; kinh nghiệm trong công tác bảo tồn một số hệ thống hang động núi lửa trên thế giới…
Song song với chương trình Hội nghị Quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20) là Hội thảo Khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam”. Tham dự Hội thảo, có ông Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO, đại diện các CVĐC Viêt Nam và một số CVĐC Hàn Quốc, Nhật Bản. Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe một số tham luận liên quan đến những thách thức đối với các CVĐC tiền năng ở châu Phi và châu Mỹ La tinh, Di sản địa chất và các CVĐC ở Nhật Bản, Quá trình xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu UNESCO Mudeungsan (Hàn Quốc), CVĐC toàn cầu UNESCO đảo Jeju (Hàn Quốc), Hợp tác trong mạng lưới CVĐC Nhật Bản; quá trình xây dựng CVĐC ở Việt Nam, các kinh nghiệm trong công tác xây dựng và phát triển của các CVĐC tại Việt Nam. Hội thảo là cơ hội để Mạng lưới CVĐC Việt Nam nhìn nhận, đánh giá lại một quá trình xây dựng và trưởng thành của CVĐC tại Việt Nam, cũng như trao đổi, học tập kinh nghiệm trong Mạng lưới và với các CVĐC quốc tế.
Các hoạt động khác trong khuôn khổ Hội nghị bao gồm Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông, CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Việt Nam) và Ban quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO Mudeungsan (Hàn Quốc); Họp trực tuyến các CVĐCTC UNESCO có di sản địa chất núi lửa và hang động núi lửa trong Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và hoạt động khảo sát thực địa hệ thống hang động núi lửa Đắk Nông và các điểm đến trong CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn