Tuyến trải nghiệm thứ 4 CVĐC, về phía nam kết nối: Thành phố Cao Bằng – huyện Thạch An – huyện Quảng Hoà. Gồm các điểm dừng chân như: Trung tâm thông tin CVĐC; Nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong; Hồ Hoá thạch Phường Sông Hiến; Mỏ sắt gabro Chu Trinh; Núi lửa dưới Đại dương cổ (Bazan cầu gối Đèo Khau Khoang, Xã Thái Cường, Thạch An); Rừng cây di sản xã Vân Trình; Cơ sở thạch đen truyền thống (Xã Lê Lai, Thạch An); Di tích Đồn Đông Khê; Đỉnh núi Báo Đông; Đại dương cổ; Làng sản xuất đường mía Bó Tờ; Chùa phật tích Trúc Lâm Tà Lùng; Điểm Hữu nghị Việt – Trung (Cửa khẩu Tà Lùng). Đây là 1 tuyến có ý nghĩa rất quan trọng về mặt kinh tế - chính trị và phát triển du lịch của địa phương, đồng thời mang giá trị nổi bật về lịch sử, địa chất và các nguồn gen quý của các cây trồng bản địa…
Sau khi gặp mặt tiếp xã giao của Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh, nhóm chuyên gia Unesco, đã đi thực địa và tư vấn phát triển tuyến thứ 4. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND Thành phố Cao Bằng và hai huyện Thạch An, Quảng Hoà đã cử đại diện lãnh đạo và các phòng ban liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng tham gia làm việc với Nhóm chuyên gia.
Chuyên gia đã tư vấn đặt tên tuyến, màu sắc đặc trưng nhận diện tuyến, tạo sự khác biệt, hấp dẫn không thể lẫn với các tuyến du lịch khác. Tư vấn về việc thiết kế và biên tập các biển thông tin di sản, hướng dẫn về nội dung và việc lắp đặt hệ thống biển bảng quảng bá, biển chỉ dẫn điểm di sản. Đặc biệt, tại từng điểm di sản, Nhóm chuyên gia đã trao đổi với chính quyền địa phương và Ban quản lý CVĐC đưa ra những phương án tốt nhất để phát huy điểm di sản và phục vụ du khách. Cụ thể như tại điểm di sản Núi lửa dưới đại dương cổ (Đèo Khau Khoang, điểm giáp ranh giữa xã Kim Đồng và Thái Cường, huyện Thạch An) cần phải trở thành một điểm di sản quan trọng của tuyến và phải được tăng cường quảng bá và nâng cao sự hấp dẫn cho điểm di sản. Cần dựng biển quảng bá, biển pano cỡ lớn, tái hiện hình ảnh hoạt động phun trào magma dưới đáy đại dương cổ trên vách đá, trồng hoa và khu vực ngắm điểm di sản; Điểm di sản Hồ hoá thạch (Thành phố Cao Bằng) địa điểm tốt nhất để giới thiệu giá trị là gần điểm đang xây dựng bảo tàng mới (khu vực quảng trường KM5) phục dựng lại hình ảnh 3D môi trường hồ, đầm lầy lục địa cổ, dựng khung bảo vệ vết lộ trầm tích than nâu; Khảo sát tại làng mía Bó Tờ (Thị trấn Hoà Thuận) địa phương cần nghiên cứu, phát triển các sản phẩm từ đường mía, quy cách đóng gói sản phẩm để du khách có thể mua được…vv
Sau chuyến khảo sát và làm việc, căn cứ vào báo cáo của Nhóm chuyên gia và những tư vấn và hướng dẫn cụ thể UBND tỉnh Cao Bằng sẽ có những chỉ đạo cụ thể cho các ngành, chức năng và các địa phương xây dựng tuyến thứ 4 đảm bảo các tiêu chí và khuyến nghị của UNESCO, đồng thời hiện hiệu quả trong việc phát triển du lịch bền vững và phát triển tuyến trải nghiệm số 4 của CVĐC Non nước Cao Bằng góp phần cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.
BQL.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn