Hội nghị quốc tế của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương được tổ chức 02 năm một lần. Đây là sự kiện quan trọng nhất của Mạng lưới khu vực châu Á Thái Bình Dương, quy tụ nhiều học giả, nhà nghiên cứu, các chính khách trong khu vực và trên thế giới tham gia và chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến trong công tác xây dựng và phát triển mô hình CVĐC toàn cầu. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.
Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra các phiên họp của Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO, Ủy ban cố vấn, Ban điều phối của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương, Diễn đàn thanh niên của Mạng lưới CVĐC toàn cầu, các phiên Hội thảo chuyên đề, Khảo sát thực địa mô hình CVĐC toàn cầu UNESCO Satun và gian hàng quảng bá CVĐC.
Ngày 06/9/2022, Đoàn công tác tỉnh đã tham dự các cuộc họp với Ủy ban cố vấn và Ban điều phối của mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực châu Á Thái Bình Dương và trình bày báo cáo, bảo vệ Hồ sơ vận động tranh cử đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2024 tại tỉnh Cao Bằng và đã nhận được nhiều sự đánh giá cao về công tác chuẩn bị, năng lực của tỉnh từ của các thành viên Ủy ban cố vấn và các đại biểu dự họp. 100% thành viên Hội đồng tư vấn nhất trí bỏ phiếu tán thành việc lựa chọn tỉnh Cao Bằng là địa phương tổ chức đăng cai sự kiện Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới vào năm 2024. Ngoài ra, Đoàn cũng tham gia trao đổi, bỏ phiếu bầu Ban điều phối mới của Mạng lưới Khu vực Châu Á Thái Bình Dương theo yêu cầu của Ban tổ chức Hội nghị.
Sáng ngày 07/9, Đoàn công tác của tỉnh đã tham dự phiên Khai mạc Hội nghị. Ngay sau phiên khai mạc, đoàn tham dự các buổi hội thảo chuyên đề trong thời gian từ ngày 07/9 đến 10/9. Cac phiên Hội thảo tập trung vào 07 chủ đề chính: Các mục tiêu phát triển bền vững trong Công viên địa chất; Giảm thiểu thảm họa địa chất trong Công viên địa chất; Đa dạng địa chất và Công viên địa chất; Công viên địa chất: “Du lịch bền vững”; Công viên địa chất: “Giáo dục và Diễn giải”; Tri thức bản địa và Di sản văn hóa trong Công viên địa chất; Công viên địa chất tiềm năng. Đoàn tỉnh Cao Bằng tham gia trình bày 02 bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm về “Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác xây dựng và phát triển du lịch địa chất bền vững, hướng tới các mục tiêu phát triển công bằng của Liên hợp quốc”; và “Công tác tuyên truyền giáo dục CVĐC trong trường học”. Các bài tham luận của tỉnh tại Hội nghị đã chuyển tải các giá trị đặc sắc, tiềm năng, và thế mạnh của CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng, sự nỗi lực của tỉnh trong công tác xây dựng phát triển CVĐC gắn với phát triển bền vững, bảo vệ cảnh quan môi trường; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tri thức bản địa, công tác giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng trong vùng CVĐC.
Ngày 08/9/2022, Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng đã tiến hành buổi hội thảo với CVĐC Khorat, Thái Lan với mục đích trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, xây dựng và phát triển CVĐC theo các tiêu chí của UNESCO, đề xuất các nội dung cùng hợp tác như hợp tác phát triển du lịch CVĐC, hợp tác trong các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng, giáo dục về CVĐC trong trường học. Qua buổi làm việc, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, đề xuất các nội dung cùng quan tâm và có tiềm năng để ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong thời gian tới.
Chiều ngày 10/9, Hội nghị chính thức bế mạc sau 1 tuần làm việc. Nhiều nhiều sáng kiến, mô hình hiệu quả trong công tác xây dựng và phát triển công viên địa chất, góp phần vào việc phát triển địa phương, nâng cao nhận thức cộng đồng đã được chia sẻ. Cũng trong phiên Bế mạc Hội nghị, Đoàn công tác tỉnh Cao Bằng nhận cờ luân phiên đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 8 năm 2024 tại Cao Bằng.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị, tỉnh Cao Bằng đã tham gia một gian hàng quảng bá CVĐC để giới thiệu về những giá trị độc đáo, nổi bật nhất về văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học, địa chất…, trưng bày những ấn phẩm truyền thông (tờ rơi, tờ gấp, sách hướng dẫn 03 tuyến du lịch, bưu thiếp…), các sản phẩm đặc trưng trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng (thổ cẩm, chè tiên Kolia, chè đắng, kẹo lạc, ngà hoóc….), và chiếu phim quảng bá của CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng và đã được các đại biểu tham dự hội nghị đón nhận, đánh giá cao.
Bên lề Hội nghị, Đoàn công tác tỉnh Cao Bằng cũng đã gặp gỡ, tặng quà lưu niệm, và trao đổi với đại diện chính quyền tỉnh Satun, đại diện của Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO, Hội đồng cố vấn Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương. Thay mặt tỉnh Cao Bằng, đ/c Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cam kết tỉnh Cao Bằng sẽ nỗ lực đăng cai thành công Hội nghị và đề nghị các thành viên trong mạng lưới CVĐC châu Á, tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh Cao Bằng trong công tác xây dựng và phát triển CVĐC Non nước Cao Bằng theo các tiêu chí của UNESCO, đặt biệt giúp đỡ Cao Bằng tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 8 của Mạng lưới vào năm 2024.
Ngoài ra, Đoàn tỉnh Cao Bằng đã rất tích cực tham gia đầy đủ các hoạt động khảo sát, tìm hiều mô hình Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, các kinh nghiệm phát triển du lịch tại Thái Lan theo chương trình của Ban tổ chức, qua đó nâng cao nhận thức, hiểu biết thêm về Công viên địa chất, tăng cường kết nối chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp tham dự Hội nghị./.
Nguồn tin: BQL CVĐC
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn