Mạng lưới CVĐC toàn cầu chào đón 08 thành viên mới

Thứ tư - 03/08/2022 20:44
Ngày 21/4/2022, Mạng lưới CVĐC toàn cầu GGN phối hợp với Bộ phận Giảm thiểu rủi ro thiên tai và Khoa học Trái đất của UNESCO đã tổ chức sự kiện chào đón 08 CVĐC toàn cầu UNESCO mới nhân ngày Trái đất 2022.
Với việc Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO thông qua việc công nhận 8 Công viên địa chất toàn cầu UNESCO mới, nâng số CVĐC tham gia vào Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu lên 177 tại 46 quốc gia. Luxembourg và Thụy Điển là hai quốc gia lần đầu tiên có Công viên địa chất toàn cầu. Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu hiện có diện tích bề mặt trên toàn thế giới là 370.662 km², tương đương với diện tích của Nhật Bản.
Trong số 08 CVĐC toàn cầu được công nhận mới có 02 CVĐC nằm ở Châu Mỹ Latinh và 06 Công viên địa chất nằm ở Châu Âu. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Mạng lưới CVĐC toàn cầu không tiến hành thẩm định hồ sơ các CVĐC từ khu vực châu Á, châu Phi và Ả Rập trong năm 2021. Các Công viên địa chất toàn cầu mới được UNESCO công nhận bao gồm: Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Seridó (Brazil), Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Caminhos dos Cânion do Sul (Brazil), Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Salpausselkä (Phần Lan), Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Ries (Đức), Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Kefalonia-Ithaca (Hy Lạp), Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Mëllerdall (Luxembourg), Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Land Buzău (Romania), Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Platåbergens (Thụy Điển).
CVĐC toàn cầu UNESCO Seridó, Bra-xin
Ảnh 71
CVĐC toàn cầu UNESCO Seridó
CVĐC toàn cầu UNESCO Seridó có diện tích 2.800 km² ở vùng bán khô hạn về phía đông bắc Brazil. Đây là nơi sinh sống của hơn 120.000 người, như cộng đồng người Quilombolas, họ luôn nhớ tới tổ tiên là những người nô lệ châu Phi để giữ gìn bản sắc văn hóa của mình qua các phong tục tập quán truyền thống, bảo tàng và trung tâm văn hóa. CVĐC là minh chứng cho lịch sử 600 triệu năm của Trái đất và là nơi có điểm khoáng hóa silit, một loại quặng vonfram quan trọng, lớn nhất Nam Mỹ, cũng như các dòng chảy bazan bắt nguồn từ hoạt động núi lửa trong các kỷ Đại Trung sinh và Đại Tân sinh. Sự đa dạng địa chất này quyết định phần lớn sự đa dạng sinh học độc đáo của khu vực, đặc trưng là Caatinga (‘rừng trắng’ trong tiếng Tupi), một vùng sinh thái với hệ thực vật cận nhiệt đặc thù. Caatinga là quần xã sinh vật riêng có của Brazil, có nghĩa là phần lớn giá trị sinh học của nó không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh.
CVĐC toàn cầu UNESCO Hẻm núi phía Nam, Bra-xin
CVĐC toàn cầu UNESCO Caminhos dos Cânion do ở miền nam Brazil có diện tích 2.830,8 km² và là nơi sinh sống của 74.120 người. Đặc trưng của CVĐC là Rừng Đại Tây Dương, một trong những hệ sinh thái phong phú nhất hành tinh về đa dạng sinh học. Những cư dân thời kỳ tiền Colombo của khu vực này từng trú ẩn trong các hang cổ sinh (các hốc ngầm do những động vật có xương sống cổ đã tuyệt chủng đào như con lười mặt đất khổng lồ) với rất nhiều dấu tích vẫn còn được nhìn thấy trong CVĐC. Ngoài ra, khu vực này còn có các hẻm núi ấn tượng nhất ở Nam Mỹ, được hình thành bởi các quá trình địa mạo độc đáo của lục địa trong thời kỳ tan rã của siêu lục địa Gondwana cách đây khoảng 180 triệu năm.
Ảnh 72
Quang cảnh CVĐC toàn cầu UNESCO Hẻm núi phía Nam, Bra-xin
CVĐC toàn cầu UNESCO Salpausselkä, Phần Lan
Ảnh 73
Hồ Esker, CVĐC toàn cầu UNESCO Salpausselkä, Phần Lan
Là nơi sinh sống của khoảng 177.000 người, CVĐC toàn cầu UNESCO Salpausselkä nằm ở phía nam Phần Lan, ở phần cực nam Quận Hồ Phần Lan, có diện tích 4.506 km². Khoảng 21% CVĐC được bao phủ bởi nước và hơn một nửa là rừng. Hàng trăm hồ nước trong CVĐC là trung điểm của cảnh quan, cùng với những rặng núi Salpausselkä riêng biệt kéo dài. Trải dài hơn 600 km trên khắp miền nam Phần Lan, các rặng núi này chứa các trầm tích do sông băng lắng đọng. Chúng là nhân chứng của sự thay đổi khí hậu, đặc biệt là trong thời kỳ Younger Dryas, giai đoạn mát mẻ kéo dài khoảng từ 12.900 đến 11.600 năm trước và làm gián đoạn xu hướng ấm lên của Bắc bán cầu vào cuối thế Pleistocen (thế Canh Tân) (2,6 triệu đến 11.700 năm trước). Được nghiên cứu từ thế kỷ 19, những rặng núi này tạo nên di sản địa chất nổi tiếng nhất của Phần Lan trong cảnh quan được hình thành do các sông băng tan chảy tạo nên địa mạo glaciofluvial và các hệ tầng đá lưu trữ lượng nước ngầm dồi dào và cung cấp nước uống tự nhiên chất lượng cao cho khu vực.
CVĐC toàn cầu UNESCO Ries, Đức
Ảnh 74
Quang cảnh miệng hố va chạm Ries, CVĐC toàn cầu UNESCO Ries
Phần lớn diện tích CVĐC toàn cầu UNESCO Ries nằm ở bang Bavaria, và một diện tích nhỏ ở bang Baden-Würtemberg với Miệng va chạm Ries, nằm giữa Swabian và Franconian Alb ở phía nam nước Đức. CVĐC có diện tích 1.749 km2 với khoảng 162.500 cư dân. Khoảng 15 triệu năm trước, một thiên thạch đã va chạm với Trái đất tại chính nơi này, để lại một hố va chạm, là hố thiên thạch được bảo tồn tốt nhất ở châu Âu và là cấu trúc va chạm được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất trong số gần 200 hố thiên thạch được biết đến trên toàn thế giới. Du khách có thể khám phá miệng hố Nördlinger Ries và tìm hiểu về địa chất và lịch sử của nó bằng cách tự đi bộ hoặc đi cùng hướng dẫn viên theo những con đường mòn tự nhiên dẫn đến những cảnh đẹp. Các trung tâm thông tin và các chương trình giáo dục cho trường học cũng luôn sẵn sàng. CVĐC cung cấp cái nhìn sâu sắc hấp dẫn về lịch sử Trái đất thông qua cảnh quan thiên nhiên, lịch sử văn hóa, ẩm thực đặc sắc.

CVĐC toàn cầu UNESCO Kefalonia-Ithaca, Hy Lạp

Ảnh 75
Hang Melissani, CVĐC toàn cầu UNESCO Kefalonia-Ithaca, Hy Lạp

Ở phía tây Hy Lạp, CVĐC toàn cầu UNESCO Kefalonia - Ithaca là một nhóm đảo thuộc quần đảo Heptanese (theo tiếng Hy Lạp là 7, cũng là số đảo chính của quần đảo Ionia). Kefalonia có diện tích 773 km² và là nơi sinh sống của 35.801 cư dân và Ithaca có diện tích 117 km² với 3.084 người sinh sống. CVĐC có nhiều điểm di sản địa chất có nguồn gốc đá vôi như hang động, hố sụt và suối ngầm rải rác khắp các hòn đảo, cho thấy lịch sử địa chất hơn 250 triệu năm. Cả hai hòn đảo này đều nằm rất gần với một dãy núi có hình cánh cung (cánh cung Hy Lạp) được hình thành do sự hút chìm của mảng châu Phi dưới mảng Á-Âu. Đây là khu vực có hoạt động kiến ​​tạo mạnh mẽ nhất ở châu Âu. CVĐC còn có tầm quan trọng về giá trị văn học vì Kefalos và Ithaca nhắc đến trong sử thi Odyssey với vai trò là quê hương của Ulysses, người anh hùng trong sử thi của Homer. CVĐC còn có các di tích La Mã và Hy Lạp thời tiền sử, lâu đài thời trung cổ, tu viện thời kỳ đế chế Byzantine và hậu đế chế Byzantine, các khu dân cư truyền thống, cối xay gió, cầu và hải đăng, một nền văn hóa phong phú nằm phân bố trên một vùng lãnh thổ với những đặc trưng địa chất độc đáo.

CVĐC toàn cầu UNESCO Mëllerdall, Lúc-xăm-bua

Ảnh 76
Giáo dục vì sự phát triển bền vững trong vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Mëllerdall
Ở khu vực nông thôn phía Đông, Lúc-xăm-bua, CVĐC toàn cầu UNESCO Mëllerdall có diện tích 256 km² với dân số khoảng 25.500 người. CVĐC nằm ở trung tâm của lưu vực Trier-Luxembourg, kéo dài từ lưu vực Paris đến Rhene. Đặc trưng với Hệ tầng sa thạch Luxembourg có độ dày lên tới 100 mét và có niên đại Lias Hạ (cách đây 205 đến 180 triệu năm). Nó tạo nên một trong những cảnh quan bằng đá sa thạch ngoạn mục nhất ở Tây Âu và là một điểm thu hút khách du lịch từ cuối thế kỷ XIX. Ngày nay, du khách có thể khám phá khu vực này theo một mạng lưới dày đặc các con đường đi bộ đường có biển chỉ dẫn, bao gồm tuyến đường Mullerthal dài 112 km, con đường đã giành được giải thưởng Tuyến đường mòn có chất lượng hàng đầu châu Âu.

CVĐC toàn cầu UNESCO Buzău Land, Romania

Ảnh 77
Nơi cư trú bằng đá trong CVĐC CVĐC toàn cầu UNESCO Buzău Land

Tại Khu vực uốn cong của dãy núi Karpat ở Romania, vùng đồi núi của CVĐC toàn cầu UNESCO Buzău Land có diện tích 1.036 km² và là nơi sinh sống của khoảng 45.000 cư dân. Một số mảng kiến ​​tạo va chạm trong khu vực, tạo ra một dãy núi uốn nếp và đứt gãy rất phức tạp, sau đó bị xói mòn do tác động của băng hà. Là một trong những khu vực hoạt động địa động lực mạnh nhất ở châu Âu, CVĐC phô bày 40 triệu năm lịch sử địa chất. Trong thời kỳ này, các chuyển động kiến tạo đã nâng các ngọn núi lên và biến môi trường biển sâu thành môi trường trên cạn. Hóa thạch của các loài sinh vật biển, thực vật trên cạn, động vật có vú và chim có niên đại từ kỷ băng hà cuối cùng đã được lưu giữ tốt ở dãy núi Karpat. Nhiều hóa thạch của bọ cánh cứng, nhện, động vật giáp xác, bò sát và các loài khác được bảo tồn trong hổ phách, một loại nhựa cây hóa thạch. Một số hang động muối dài nhất và sâu nhất thế giới cũng được tìm thấy ở đây, dấu tích của các mỏ muối và thạch cao lớn hình thành do sự bốc hơi của các vùng nước nông kín. Sự đa dạng địa chất này đã tác động tới một văn hóa độc đáo với những truyền thuyết, trong đó núi lửa bùn chính là những con rồng, các vũng bùn sôi là cái bẫy của người khổng lồ dùng để bắt gia súc, và có thể nhìn thấy tương lai qua hổ phách.

CVĐC toàn cầu UNESCO Platåbergens, Thuỵ Điển

Ảnh 78
Mộ cự thạch ở Luttra phía trước núi Ảlleberg, CVĐC toàn cầu UNESCO Platåbergens

Ở phía tây Thụy Điển, CVĐ toàn cầu UNESCO Platåbergens có diện tích 3.690 km2 với 289.198 cư dân. Nơi đây có cảnh quan độc đáo với 15 ngọn núi đỉnh bằng phẳng, Platåberge trong tiếng Thuỵ Điển có nghĩa là Núi Bàn, cũng chính là tên của dãy núi này. Những ngọn núi này được hình thành do xói mòn trong kỷ Băng hà cuối cùng cách đây 115.000 năm. Khu vực này cũng bao gồm đồng bằng Västgöta với các hồ nước nông, các rặng núi nhấp nhô và cảnh quan văn hóa được bảo tồn tốt. Một số phát hiện lịch sử thú vị nhất của Thụy Điển được thực hiện ở khu vực này, nơi các bảo tàng lưu giữ nhiều dấu tích chứng minh việc người dân sử dụng đá của khu vực qua nhiều thiên niên kỷ: từ những ngôi mộ cự thạch (5.300-4.700 TCN) đến nhà thờ đá đầu tiên được biết đến ở Thụy Điển, được xây dựng bởi những người Viking theo đạo Thiên chúa vào đầu thế kỷ 11.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây