CVĐC Non nước Cao Bằng mang những đặc trưng nổi bật về địa lí tự nhiên, đặc biệt là những giá trị to lớn về địa chất. Điều kiện địa chất là yếu tố cốt lõi tạo nên sự độc đáo và khác biệt của CVĐC Non nước Cao Bằng, hàm chứa những giá trị về khoa học, văn hoá, thẩm mỹ… và thu hút các nhà khoa học và du khách đến với vùng đất này.
Bất chỉnh hợp đèo Khau Khoang, điểm di sản nằm bên trái đường QL.4A theo hướng từ Thành phố Cao Bằng đi Thị trấn Đông Khê, thuộc địa phận xã Thái Cường, huyện Thạch An. Bất chỉnh hợp là một bề mặt bóc mòn bị chôn phân chia hai phân vị địa tầng có tuổi khác nhau, cho thấy sự gián đoạn trầm tích trong quá khứ. Nhìn chung, lớp cổ hơn đã bị lộ ra trên mặt đất sau đó bị bóc mòn trong một khoảng thời gian trước khi các lớp trẻ hơn phủ lên trên nó. Tại đây quan sát thấy rõ quan hệ bất chỉnh hợp trực tiếp giữa đá vôi hệ tầng Nà Quản (D1-2 nq) màu sắc loang lổ, phân lớp trung bình, cắm 27050, bị dăm kết hóa, biến dạng dẻo thành cấu tạo khúc dồi kích thước đến hàng chục centimet theo thế nằm và đá phiến sét silic hệ tầng Sông Hiến (T1sh) màu xám đen, xen các lớp cát bột kết màu tím, phân lớp trung bình, cắm 27050, bị biến dạng dẻo thành các nếp uốn dạng bao kiếm.
Xung quanh là địa hình karst cụm đỉnh lũng phát triển trên đá vôi hệ tầng Nà Quản (D1-2nq) và địa hình bóc mòn dạng đồi bát úp trên đá phiến sét, basalt... Địa hình này bị cắt xẻ bởi các khe rãnh xâm thực, lưng ngựa trên các đới dập vỡ do đứt gãy tạo nên.
Hiện tại quan hệ trực tiếp giữa đá vôi hệ tầng Nà Quản (D1-2 nq) và đá phiến sét silic hệ tầng Sông Hiến (T1 sh) không còn quan sát được nữa do con đường mới mở đi vào thôn theo hướng Bắc, Tây Bắc đã cắt qua đúng vị trí này. Ta chỉ còn quan sát thấy quan hệ gián tiếp qua con đường: một bên là vách đá vôi phân lớp trung bình cao 20m, một bên là đá phiến sét màu đen, phong hóa loang lổ màu vàng, nâu. Trên mặt thảm thực vật phủ dày.
Ranh giới bất chỉnh hợp giữa các đá Devon và Trias thể hiện hoạt động kiến tạo tách giãn tạo rift nội lục với đáy là đá vôi của đại dương cổ Palaeo-Tethys ở khu vực Đông Bắc Việt Nam - Nam Trung Hoa, gây gián đoạn trầm tích. Các cấu tạo dồi, uốn nếp… thể hiện biến dạng dẻo, các vết xước, mặt trượt, dập vỡ, dăm kết hóa thể hiện biến dạng giòn trong các pha kiến tạo. Basalt cầu gối là sản phẩm của quá trình tách giãn đáy đại dương.
Các dạng địa hình karst như cụm đỉnh lũng, thung lũng mù karst, yên ngựa v.v. thể hiện quá trình phong hóa rửa lũa hóa học xảy ra ở các đới dập vỡ do hệ thống đứt gãy TB-ĐN và ĐB-TN cộng sinh. Một số facet trên đá vôi là bằng chứng của các hoạt động đứt gãy phương TB-ĐN trong giai đoạn Tân Kiến tạo. Có giá trị cao trong khoa học địa chất, phản ánh lịch sử tiến hóa của khu vực và quá trình hình thành, phát triển của vỏ Trái đất ở khu vực Miền Bắc Việt Nam. Sự xuất hiện của bất chỉnh hợp là bằng chứng cho thấy quá trình chuyển biến từ vỏ đại dương sang vỏ lục địa không phải liên tục mà diễn ra theo chu kì.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn